Nằm ngủ trên cây

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về nhà. Cửa khóa. Diên quẳng đồ ngoài hiên rồi ra bụi hóp sau nhà, leo lên ổ nằm ngủ một giấc ngon lành. Diên có rất nhiều cái ổ như thế trong vườn để vạ vật đâu cũng thấy chỗ đặt lưng.

Cái thói quen làm ổ có từ bé, từ khi còn là một đứa trẻ chăn trâu Diên đã hay kết ổ trên cây và thích thú với thế giới riêng biệt của mình.
Minh họa: Hoa Quỳnh
Minh họa: Hoa Quỳnh
Cái ổ được kết bằng nhiều cành hóp rất chắc chắn, nó được kết đã sáu năm, từ khi những thất bại đầu tiên trong công việc, Diên trở về lụi cụi leo trèo tự kết nó để nằm. Có vẻ như giờ nó chật chội hơn, những cành hóp xanh vẫn sống và đan quện vào nhau mật thiết. Như cây xòe cả trăm cánh tay bao bọc lấy mình, nâng đỡ mình, vỗ về giấc ngủ của mình. Chừng nào những cành cây này chết đi, Diên sẽ lại trở về đan chiếc ổ khác. Ngủ trên cây thật thích, tách biệt với mặt đất và cảm giác như không ai phát hiện ra mình. Ngủ như loài chim, như rắn lục, nghe tiếng kẽo kẹt của thân cây đan cọ vào nhau. Vài chiếc lá sẽ chọc vào chân nghịch đùa như trẻ nhỏ, sơn sởn buồn đầy thích thú. Mùi của cây rất dễ chịu, không có thứ mùi hương gì lại dễ chịu như thế, kể cả hương hoa. Nó có tác dụng làm con người ta thư thái, thoải mái, hít vào đến đâu cảm giác được lưu thông khí huyết. Đôi lúc Diên nghĩ ước gì mình nằm ngủ rồi biến thành một cành cây đan quện trong chiếc ổ.

Bây giờ Diên thấy nhiều khu du lịch cũng nghĩ ra mô hình làm nhà trên cây cho uyên ương đến hưởng tuần trăng mật. Cho mấy ông bợm nhậu hưởng thú bồng lai tiên cảnh, hoặc một đôi mèo mả gà đồng trốn vợ trốn chồng leo lên làm tình hoang dại như loài thú. Người đời quả là biết hưởng thụ. Chán cảnh phố xá, nhà lầu xe hơi, khách sạn năm sao, resort…, cuối cùng người ta lại tìm về với thiên nhiên. Một buổi sáng nào đó, vớ tờ báo ra đọc thấy người ta khoe toàn hàng hiệu, khoác lên mình khăn váy vài trăm đô, đeo cái đồng hồ, dây lưng cũng tính bằng tiền tỷ. Diên đã nghĩ rồi, thể nào cũng có lúc những con người chơi trội như thế mở màn cho mốt đóng khố, khỏa thân như thời nguyên thủy. Bây giờ người ta còn e dè còn làm màu, còn khách sáo, còn bảnh chọe với thiên nhiên lắm. Nói ngủ trên cây thì khoái nhưng chưa trèo lên đã lo cành gãy, lo cây đổ, lo con rắn hay bầy ong vào hỏi thăm đúng lúc đang đê mê sung sướng thì sao? Họ lúc nào cũng lo xa, lúc nào cũng thấy bất an rình rập bên mình, lúc nào cũng sợ đâm sau lưng. Chưa cần cây bộc rễ thì có khi con rắn trong mường tượng đã cắn chết họ rồi. Nếu chúng ta muốn làm chim một hôm thì hãy sống bản thiện như loài chim. Chúng ta muốn ngủ trên cây một hôm thì cứ để lòng mình xanh như lá, mềm như lá. Đừng mang toan tính về rừng… Diên nghĩ vậy rồi ngủ thiếp đi, nghe loáng thoáng bầy cò cũng tìm về tổ ngủ.

Mẹ nấu cơm xong rồi ra rung cây. Diên đã tỉnh nhưng tủm tỉm nằm giả vờ say ngủ. Mẹ vẫn vậy, vẫn rung cây gọi con về như lúc chúng còn nhỏ xíu. Diên ngồi dậy, vươn vai, bám chặt tay vào thân cây hóp leo xuống. Đến đoạn cây trụi cành thì cô tuột xuống nhẹ tênh và khoái trí. Làm người thành phố mãi rồi thỉnh thoảng cũng phải về làm người rừng cho đỡ nhớ. Sáng ra không cần chọn quần áo cho từng đối tượng gặp gỡ, cho từng dạng công việc, từng nơi đến sao cho lịch sự, sang trọng và kín kẽ. Về quê, ngôn ngữ cũng mặc áo nâu sòng.

Diên ở nhà vài ngày thì nhận được điện thoại của Sẻ Xù. Nó bảo: “Có mang ít hạt dẻ rừng về mà không biết cho ai”. Diên nhớ mỗi lần nghe Sẻ cười, tuyệt nhiên chỉ nghe thấy rin rít nỗi cô đơn tràn qua kẽ răng nó. Bỗng nhiên cuộc điện thoại của Sẻ đã khiến Diên nằm giữa chốn thân thuộc mà sao tâm trí không thuộc về thế giới này. Diên nhớ phố, nhớ xóm trọ chật chội với cái nhà vệ sinh chung ẩm mốc thi thoảng cả xóm mang rau cỏ ra nhặt léo nhéo chuyện trò. Nhớ những đêm mưa ướt át, ngồi bên dãy trọ nhìn sang thấy Sẻ đứng ở cầu thang, tay cầm sẵn ô, chỉ đợi đúng mười giờ đêm là hàng xôi đi qua sẽ lao ra mua cho cả xóm mỗi người một nắm xôi. Nó bảo trời mưa ăn xôi là tuyệt cú mèo. Hà Nội giàu nghèo gì không biết nhưng nó chỉ cần mua xôi, ghé qua sạp sách báo cũ vỉa hè và chui vào một góc phòng nghe nhạc. Ngoài ra, Sẻ chả thiết tha gì, người như nó đáng lẽ phải được sinh ra ở một nơi nào khác.

Diên nhớ một buổi chiều nào đó, mấy đứa Diên đứng từ trên cao nhìn xuống đường chắc đứa nào cũng muốn biến thành chim. Để làm chi? Để vỗ cánh bay qua từng dòng chảy dưới kia, nhằng nhịt như kênh mương tưới tiêu, ngột ngạt như cánh đồng mùa hạn. Sẻ giơ một ngón tay ra trước mặt hướng về cột đèn giao thông phía dưới, làm động tác nhấn nút. Đèn xanh dừng lại. Có vài khuôn mặt cau có khó chịu. Có vài người trượt đà mà vượt đèn đỏ. Vài người chen chúc nép nhờ dưới một bóng râm. Sẻ ngó nghiêng, thích thú nhìn trò chơi do mình sắp đặt, ngón tay em từ từ làm động tác bấm nút. Đèn xanh bật lên. Dòng người hùng hổ lao vào nhau như đánh trận, chen chúc, giành giật, lộn xộn như bầy vịt xiêm với thứ nguyên tắc ruộng đồng.

Diên không nói gì, im lặng trong suốt trò chơi của Sẻ chỉ vì đã bị hút tầm mắt về phía bóng cây như một dấu chấm than lộn ngược nhỏ xíu phía dưới đường. Cái dấu chấm than yếu ớt ấy chống chọi lại cái gió, cái nắng của sức người, sức phố phả ra từ mờ sáng đến đêm khuya. Từng người đi xen qua nó, tranh nhau nó, rúm ró co lại trong bóng nó như thể manh chăn mỏng của nhà nghèo đông con, kéo bên này thì hở bên kia. Cây mang nỗi buồn của người mẹ nghèo đã không thể ủ ấp che chở cho tất cả những đứa con tội nghiệp. Để rồi chúng phải bỏ đi, lao đi trong hành trình kiếm tìm nơi trú ngụ. Cái dấu chấm than nhỏ nhoi ấy leo lắt như đèn trước bão. Cơn bão của sự phát triển đô thị, cơn bão dân số gia tăng, cơn bão của vòng xoáy tham vọng trong từng ấy cái đầu. Nhưng nó vẫn gắng gượng tồn tại chở che cho vài ba mái đầu trong mấy mươi giây đèn đỏ. Cho người mẹ chở con mồ hôi lấm tấm, cho đứa nhỏ ngồi trong ghế xe phía sau đã ngủ gật tự bao giờ. Cho anh thu mua đồ gia dụng cũ với cái loa tắt ngỏm khi đi vào đường lớn. Cho cô gái quây bịt kín mít từ đầu đến chân vẫn muốn trú nhờ cây cho đỡ nắng, đỡ đen da, đỡ ngột ngạt… Bao nhiêu lý do để mà thương, cây ôm hết vào lòng. Như gà mái mẹ dang cánh ôm con, vòng cánh nhỏ quá không ôm được mười mấy đứa con, đứa nào lọt ra ngoài, gà mẹ cũng hướng ánh mắt theo quan sát. Cây bao giờ cũng bao dung đến kiệt cùng.

Sẻ Xù mỉm cười tinh nghịch, cũng giơ tay vẽ vào khoảng không trước mặt một cái cây. Sẻ vẽ nhiều hơn, tán cây to hơn. Một đường cây, một phố cây, cả một thành phố tràn ngập cây xanh. Ánh nắng bất lực nằm lại trên vòm lá, chỉ thỉnh thoảng mới hắt được vài tia mỏng manh xuống mặt đường. Đường rất râm, người người đi lại từ tốn, không khẩu trang, không váy quây nắng, không kính râm. Mát mẻ và trong trẻo. Đèn xanh đi. Đèn đỏ dừng lại. Thỉnh thoảng họ cười với nhau. Diên vẽ những miệng cười rất rộng.
                    *

                  *    *
Thành phố cũng là một cái ổ lộn xộn. Người trách phố nhiều, người thấu hiểu và bênh vực phố cũng không phải ít. Một nhà văn nữ từng viết rất hay về lòng phố lòng người. Chị bảo phố thực ra rất bao dung, nhẫn nhịn, hy sinh khi chào đón tất cả mọi người. Phố yêu từng ấy những con người đang mỗi ngày hít thở bầu không khí vốn chật chội, thải ra thêm nhiều rác thải, cắt xén dần không gian… Ừ. Chúng ta không thể phủ nhận rằng kẻ làm cho phố mỗi ngày mỗi xấu xí đi chính là chúng ta. Nhưng Diên thì thừa biết than vãn chẳng giải quyết được gì. Diên bé nhỏ, chưa từng chạm vào những ý nghĩ lớn lao, hoặc giả dụ có nghĩ cũng tự mình hoài nghi trước thực tế vô cùng phức tạp. Diên tìm cách thoát ra ngoài hiện thực dù vẫn đang tồn tại trong nó.

Giờ Diên nằm đây, trong thế giới thân thuộc của tuổi thơ. Lòng cứ tự hỏi tại sao có bao nhiêu nơi bình yên để sống mà con người ta cứ như con thiêu thân lao vào quầng sáng huyễn hoặc ấy để mà chết. Những cái chết âm ỉ. Phải chăng vì con người ta không có quyền được đứng yên. Phải vận động để thích nghi. Phải chiến đấu để tồn tại. Phải chịu nhiều xô đẩy để rồi mới biết hai từ bình yên giá trị đến thế nào. Diên biết đã sắp đến lúc phải ra đi vì nơi bình yên này đã không thuộc về cô nữa. Nó là nơi Diên sinh ra và lớn lên, cũng là chốn dừng chân nhưng suy cho cùng chỉ là tạm bợ. Diên không muốn làm nỗi lo trong lòng cha mẹ. Bao nhiêu lần Diên tìm về ngủ trên ổ đợi mẹ rung cây là bấy nhiêu lần mẹ hiểu trái tim Diên bất ổn. Hiểu rằng con gái đã lê lết trở về nằm co trong chiếc ổ, thu mình lại trước cuộc đời rộng lớn. Đó là hành động của những người bị thương, còn kẻ đi săn thì đâu đó xung quanh ngoài kia, càng vô hình càng khiến mẹ bất an lo lắng. Mà nơi này dù bình yên thật cũng không đủ khơi lên ngọn lửa sống trong cuộc đời nhàn nhạt của Diên.

Người ta chết chìm trong thứ nhàn nhạt ấy. Phải tìm thấy một thứ để yêu, để phấn đấu, để thấy lòng hồ hởi. Cuộc sống vô cảm và đầy bất trắc ngoài kia đã bào mòn chất sống của cả triệu triệu con người. Người ta không chỉ chết vì bị thương, vì hỏa hoạn, vì động đất núi lửa hay tai nạn giao thông…, có biết bao nhiêu con người, đặt biệt là người trẻ đã chết vì cuộc đời quá đơn điệu, tẻ nhạt như một lập trình sắp đặt này. Tuổi trẻ cần một điểm nhấn, như giữa vùng đất khô hạn cần một mầm cây. Bóng râm của một thân cây thường rộng hơn tán nó. Một cái cây ở cánh đồng bên này râm mát cả những cánh đồng kế cạnh. Quê nhà cũng là một cái vỏ ốc, để gặp bất kỳ đau đớn nào người ta cũng thụt về ẩn nấp. Nhưng tuổi trẻ, mấy ai nghĩ sẽ sống thế được cả đời. Diên vẫn còn trẻ mà, vẫn nuôi trong mình cái khao khát được đi…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần