Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nam Sơn, chùa đẹp vô cùng!

Phan Mỹ Hảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đà Nẵng là TP có khá nhiều ngôi chùa linh thiêng. Ngoài 9 ngôi chùa “cầu được ước thấy” như chùa Linh Ứng, chùa Quan Âm, chùa Tam Thai, chùa Phổ Đà, chùa Tam Bảo, chùa Pháp Lâm… thì mới đây Nam Sơn tự là ngôi chùa thứ 10 của địa phương này được nhiều phật tử và du khách tìm đến.

Chùa Nam Sơn tọa lạc trên địa bàn thôn Cẩm Nam thuộc xã Hòa Châu, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Chùa Nam Sơn được thành lập năm 1962 do phật tử Nguyễn Văn Châu cùng một số phật tử ở địa phương thành tâm xây dựng.
Ban đầu chùa có tên là Cẩm Nam tự, phải đến lần tu bổ sau này mới đổi thành Nam sơn, quá trình xây dựng mất hơn 10 năm. Vị trí chùa nằm ở phía nam TP Đà Nẵng, chỉ cách trung tâm khoảng 15 phút đi xe với thế đất đắc địa, lưng chùa dựa vào dãy Trường Sơn, mặt chùa hướng về Biển Đông.
 Một góc chùa Nam Sơn, Đà Nẵng. Ảnh: Báo Đà Nẵng
Nam Sơn tự có 4 mặt tiền, nằm vuông vức trong 4 con đường mang tên Trần Tử Bình, Nguyễn Khả Trạc, Bàu Cầu 3 và Mẹ Thứ với diện tích khuôn viên lên đến 10.000m², trở thành một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Trung. Ngoài vị trí giao thông thuận lợi, chùa còn được biết đến với không gian kiến trúc đặc trưng gồm những cây cầu dài, bắc qua hồ nước trong xanh ở khuôn viên chùa, gắn những tên đậm chất Phật giáo như cầu Tam Tạng, cầu Đồng Tử, hồ Phóng Sanh, đình Vọng Nguyệt...
Nói đến chùa Nam Sơn phải nhắc đến Đại đức Thích Huệ Phong, người trụ trì đã có công rất lớn trong việc lựa chọn thiết kế và trông coi trong suốt quá trình xây dựng. Chùa được xây dựng trên nguyên tắc lấy an lạc, tự tại làm tâm điểm xuyên suốt. Đại đức đã lựa chọn thiết kế, bên cạnh chánh điện được xây dựng bề thế, hoành tráng, hồ Phóng Sanh rộng lớn làm nhiệm vụ đối lưu không khí… thì khuôn viên chùa được phủ màu xanh của hoa lá.
Những tiểu cảnh, hoa lá và cây xanh, cá tung tăng bơi lội dưới hồ, đàn bồ câu ung dung đi dạo trên khuôn viên rộng rãi đã tạo cho du khách sự gần gũi, thân thiện, để các Phật tử và người vãn cảnh có được cảm giác yên tịnh, thư thái, vô ưu. Điều này lý giải vì sao du khách đến với Nam Sơn tự bên cạnh người già còn có nhiều bạn trẻ, ngoài các phật tử còn có khá nhiều du khách.
Đến với chùa Nam Sơn ngày đầu năm, du khách gần xa được chìm trong âm thanh tiếng chuông, mõ cùng tiếng nước chảy tí tách đêm ngày. Mùi hương trầm lan tỏa, lời khẩn cầu rì rầm làm cho chúng ta tạm quên đi cuộc sống nhộn nhịp. Không khí ấm cúng, thân thiện nơi đây như xua đi bao lo toan, bao mệt mỏi đời thường và khiến ta muốn hòa mình vào thiên nhiên đất trời xứ Quảng.
Chùa Nam Sơn mở cửa từ lúc 5 giờ 00 đến 21 giờ 00 hàng ngày. Vào các ngày cao điểm có đến vài chục phật tử nhà chùa tình nguyện chia nhau làm 2 ca để hướng dẫn du khách viếng thăm chùa. Những ngày rằm, mùng 1 và dịp đầu năm có ngày có đến cả vạn lượt người từ khắp nơi trong cả nước và cả khách quốc tế đến chùa.
Muốn vãn hết cảnh chùa cũng phải mất ba, bốn giờ đó là không tính thời gian dừng chụp ảnh lưu niệm. Tại Nam Sơn tự có khá nhiều vị trí cho ta những bức ảnh đẹp bởi những kiến trúc tinh tế, cầu kỳ mà không phải nơi nào cũng có được.
Đến với Nam Sơn tự, du khách không phải mất bất cứ loại phí nào, ngoài ra tại các phòng khách, nhà chùa bố trí đủ bánh kẹo, nước uống. Phải rất tinh ý chúng ta mới thấy những hòm công đức của nhà chùa được đặt vào những góc khuất, kín đáo. Những người đến chùa muốn tìm hiểu phật giáo còn được nhà chùa tặng sách, vòng đeo tay, trang sức phật giáo.
2 năm nay, kể từ khi ngôi chùa đẹp của xứ Quảng này được tu bổ hoàn thiện, Nam Sơn tự đã trở thành địa điểm lui tới của hàng nghìn lượt du khách trong cả nước. Ngôi chùa không chỉ là cơ sở tôn giáo linh thiêng mà nó còn biết đến với tư cách là công trình kiến trúc độc đáo.
Nam Sơn chùa đẹp vô cùng!

Không gian thoáng mát một vùng bình yên

Bồ câu tung cánh bên Thiền

Khuôn viên như một cảnh Tiên trên trời

Bức tranh phác họa tuyệt vời

Không đâu sánh được với nơi chùa này.
Hãy một lần đến với Nam Sơn tự để tìm hiểu “Bức tranh phác họa tuyệt vời/ Không đâu sánh được với nơi chùa này”.