Chính quyền số, kinh tế số, công dân số
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng giúp người dân và DN được hưởng những tiện ích mà Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, ứng dụng định danh và xác thực điện tử mang lại, Nam Từ Liêm đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Trưởng Phòng Nội vụ quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết, quận đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và đạt được nhiều kết quả về công tác chuyển đổi số như: các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, người dân, DN về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số thúc đẩy phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới trong hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ người dân và DN.
Qua đó, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn. Ngoài ra, quận đã tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức kỹ năng số cho 100% thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng, thông qua lớp tập huấn, giúp Tổ chuyển đổi số cộng đồng và người dân nhận thức rõ hơn về chuyển đổi số, cũng như thụ hưởng các thành quả từ chuyển đổi số, góp phần xây dựng TP thông minh.
Quận cũng đã rà soát triển khai đồng bộ, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa của quận và các phường; duy trì các hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin dùng chung do TP triển khai; phục vụ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; xây dựng tuyến phố không dùng tiền mặt; mô hình chợ 4.0; xây dựng Mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính một cửa hiện đại các cấp trên địa bàn quận.
Đặc biệt, quận đã có sáng kiến xây dựng và triển khai Đề án: “Chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cải cách hành chính theo mô hình xã hội hóa trên địa bàn phường Phương Canh, giai đoạn 2023 - 2025”. Đầu năm 2024, mô hình chuyển đổi số trong cải cách hành chính cấp phường tại phường Phương Canh chính thức ra mắt. Mô hình ra đời khẳng định quyết tâm của quận trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, hướng tới sự hài lòng, phục vụ tốt nhất cho người dân, DN. Đây cũng là mô hình chuyển đổi số cấp phường đầu tiên của Hà Nội.
Đến nay, hệ thống camera giám sát đã hiện hữu ở rất nhiều trục đường chính của Phương Canh. Phường cũng tổ chức các cuộc họp trực tuyến, sử dụng nền tảng mạng xã hội để giao nhiệm vụ; đầu tư các trang thiết bị hiện đại tại bộ phận một cửa phường như: máy xếp hàng tự động, đánh giá sự hài lòng của người dân… Tất cả các chủ nhà trọ trên địa bàn đều được tập huấn, cài đặt phần mềm.
Quận xác định chuyển đổi số phải lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể và động lực, vì vậy trong tất cả các kế hoạch, chương trình, mô hình chuyển đổi số, quận đều hướng tới sự hài lòng của người dân, đặt mục tiêu phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn; lấy sự hưởng ứng, tích cực sử dụng các nền tảng số của người dân, DN làm động lực, là thước đo đánh giá hoạt động của chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Mai Trọng Thái
Chia sẻ về kết quả triển khai mô hình chuyển đổi số trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Canh Nguyễn Thị Minh Thu cho hay, nhờ triển khai “Mô hình nhà trọ chuyển đổi số” cho phép chủ nhà trọ quản lý khách thuê, theo dõi tình trạng phòng trống và xem lịch sử thuê trọ, đồng thời cũng có thể tạo hợp đồng cho thuê và tạo các khoản thanh toán định kỳ cho khách thuê trọ. Nền tảng này vừa giúp các chủ nhà trọ tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình quản lý thay vì ghi chép bằng tay như truyền thống, giúp khách thuê dễ tìm nhà trọ phù hợp với nhu cầu. Quan trọng hơn là giúp lực lượng công an quản lý di biến động dân cư trên địa bàn.
Việc triển khai hiệu quả, thành công nền tảng quản lý nhà trọ là một điểm sáng trong hoạt động chuyển đổi số. Đây được coi là mô hình kinh tế số gắn với xã hội số, chính quyền số từ cơ sở với những lợi thế mà nó mang lại có thể tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến người dân, các hộ gia đình, rộng hơn là các phường và có thể tiếp tục được nhân rộng ra trên địa bàn rộng lớn hơn, mang công nghệ thông tin đến gần hơn với cuộc sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số….
Hướng tới sự tiện ích cho người dân, doanh nghiệp
Nhờ những tiện ích của chuyển đổi số, người dân trên địa bàn quận đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào hoạt động chuyển đổi số và trực tiếp thụ hưởng những tiện ích thiết thực như: thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt; giao dịch điện tử trong thanh toán học phí, lệ phí; sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; sử dụng thẻ bảo hiểm y tế số VssID, chi trả chế độ chính sách qua thẻ…
Anh Nguyễn Tiến Huy, người dân phường Mỹ Đình 1 đánh giá, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đem lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.
“Chúng tôi chỉ cần ngồi ở nhà có thể nộp tiền học cho con, nhận tiền trợ cấp hàng tháng cho bố mẹ... Đối với đăng ký thủ tục hành chính trực tuyến cũng rất thuận lợi. Cán bộ trả hồ sơ cũng nhanh và có trả thêm bản điện tử để người dân lưu trữ thuận tiện, tránh việc quên hay mất dữ liệu” - anh Huy đánh giá.
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Mai Trọng Thái cho biết, quận luôn xác định nâng cao sự hài lòng của người dân là mục tiêu trọng tâm trong công tác cải cách hành chính. Nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của quận đều hoàn thành và vượt kế hoạch. Chỉ số cải cách hành chính liên tục 2 năm liền (năm 2022 và năm 2023) của quận xếp hạng thứ 2/30 quận, huyện, thị xã; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc quận luôn đạt cao và hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Mai Trọng Thái chia sẻ, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử; tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ trực tuyến, hướng đến sự hài lòng của người dân và DN; tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động “Tổ công nghệ số cộng đồng”, nâng cao chất lượng xây dựng TP thông minh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số; nghiên cứu xây dựng các nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện về các dịch vụ, ứng dụng số để người dân nắm bắt, thực hiện.
Quận cũng sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình chuyển đổi số; đặc biệt là các nền tảng số tới 100% cán bộ, công chức, viên chức để hình thành các công chức số, thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn; đẩy mạnh việc sử dụng, cung cấp các nền tảng số phục vụ người dân và DN trong lĩnh vực quản lý của cơ quan, địa phương theo phương châm “chuyển đổi số luôn lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao.