Khảo sát Phúc lợi Afghanistan được thực hiện trong giai đoạn từ 10/2021 đến 12/2021, thông qua điện thoại. 70% số người tham gia khảo sát cho biết gia đình của họ không đủ khả năng kinh tế để đảm bảo nhu cầu thực phẩm và đồ dùng thiết yếu. Con số này tăng 35% so với giai đoạn tháng 5/2021.
Khảo sát cho thấy, tỷ lệ các hộ gia đình Afghanistan chuyển sang mua sắm thực phẩm chất lượng thấp hơn hoặc giá rẻ đã tăng từ 56% lên 85% so với giai đoạn tháng 7- 8 năm 2021. Gần một nửa số hộ gia đình cũng cho biết, lượng thức ăn tiêu thụ mỗi ngày đã giảm đi, tăng tỷ lệ gần ¼ so với tháng 7-8 năm 2021.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, tỷ lệ đói nghèo tăng mạnh là do các điều kiện kinh tế nói chung chứ không phải do "các hành động cụ thể của chính quyền lâm thời đưa ra", đặc biệt là do sự sụt giảm việc làm trong khu vực công.
Sau 7 tháng kết thúc chiến tranh, chính quyền của Taliban vẫn chưa nhận được sự công nhận của quốc tế sau khi lên nắm quyền từ tháng 8-2021. Các viện trợ tài chính chiếm hơn 70% chi tiêu của chính phủ đã bị cắt giảm và khoảng 9 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan đã bị đóng băng. Nhiều thủ lĩnh Taliban vẫn chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên Hợp quốc.
Những điều này đã khiến nền kinh tế của Afghanistan rơi tự do, dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà Liên Hợp quốc cho rằng đã đẩy hơn một nửa dân số 39 triệu người của Afghanistan đến bờ vực của nạn đói.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy khoảng 1/5 người Afghanistan đang tìm kiếm việc làm trong khoảng tháng 10-12 năm 2021, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân của nạn thất nghiệp phần lớn là do sự sụt giảm việc làm trong quân đội, cảnh sát và các dịch vụ an ninh khác.
Bất chấp những lo ngại của phương Tây rằng phiến quân Hồi giáo Taliban sẽ làm gia tăng bất bình đẳng với nữ giới, cuộc khảo sát cho biết, tỷ lệ đi học của cả nam và nữ trên toàn quốc trong độ tuổi 6-18 đã tăng trong tháng 10-12 năm 2021 so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ lệ hộ gia đình cho trẻ em trai đến trường tăng từ 63% lên 73%, trong khi tỷ lệ trẻ em gái tăng từ 44% lên 54%. Tỷ lệ hộ gia đình thành thị cho trẻ em gái đi học không đổi ở mức 53%. Tuy nhiên, số lượng gia đình chỉ cho trẻ em gái đi học tiểu học đã tăng từ 5% lên 19%.