Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nan giải bài toán cân đối ngân sách

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, thâm hụt lớn, có nguy cơ vượt qua khả năng cân đối nguồn lực là tình trạng đang diễn ra trong cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) hiện nay.

Đáng chú ý, trong khi chi đầu tư giảm, nghĩa vụ trả nợ tăng thì chi thường xuyên lại liên tục tăng lên. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm chi, tăng thu và giải bài toán cân đối ngân sách?

Thâm hụt ngân sách tăng, chi thường xuyên cao

Theo số liệu từ Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), bội chi ngân sách luôn ở tình trạng cao, năm sau tăng hơn năm trước. Cụ thể, giai đoạn trước khủng hoảng tài chính năm 2008, bội chi NSNN ở mức 4,5 - 5% GDP. Giai đoạn 2011 - 2016, tỷ lệ động viên vào NSNN giảm xuống 23% GDP từ mức 26% GDP giai đoạn 2006 - 2010, trong khi tỷ trọng chi NSNN so với GDP không thay đổi (gần 30% GDP). Điều này dẫn đến thâm hụt ngân sách và nợ công ngày càng cao.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, nhu cầu chi ngân sách đang không ngừng tăng, vượt qua khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến cân đối NSNN khó khăn.

Cụ thể hơn, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) Nguyễn Thành Long đưa ra con số thống kê, chi ngân sách năm 2016 đã tăng tới 10 lần so với năm 2001 về giá trị tuyệt đối.

Ngoài ra, trong cơ cấu chi ngân sách, chi thường xuyên liên tục tăng, trong khi chi đầu tư giảm. Giai đoạn 2011- 2016, chi thường xuyên bình quân ở mức 63% tổng chi NSNN, tăng hơn 8% so với giai đoạn 2006 - 2010. Chi đầu tư phát triển lại giảm từ mức bình quân 28,6% giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 22,7% giai đoạn 2011 - 2016. “Về chi trả nợ, dự báo nghĩa vụ trả nợ trong giai đoạn tới sẽ tăng mạnh. Trong những năm qua, bội chi NSNN ở mức cao, khả năng huy động các nguồn vốn vay ưu đãi giảm dần do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp nên Nhà nước đã phải tăng phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển với các kỳ hạn ngắn và lãi suất cao. Điều này làm tăng áp lực trả nợ trong ngắn hạn” - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính Trương Bá Tuấn cho hay.

Chặn đà tăng chi, không chạy theo tăng trưởng

Có thể thấy, trong trung - dài hạn, Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro về đảm bảo bền vững ngân sách và an ninh tài chính công. Vì thế, việc cơ cấu lại NSNN, trong đó cần đặc biệt tính đến các giải pháp giảm chi là nhiệm vụ quan trọng. Hiện, chi ngân sách bao gồm chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ và chi dự trữ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp đề nghị chặn đà tăng chi (đặc biệt là chi thường xuyên), không chạy theo tăng trưởng. Theo ông Nghiệp, nếu chạy theo tăng trưởng như hiện nay, chỉ 5 - 10 năm tới, ngân sách sẽ không thể đáp ứng được do tăng chi quá nhanh.

Chất lượng chi đầu tư cũng là câu chuyện được các chuyên gia bàn luận nhiều. PGS.TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ KH&ĐT) cảnh báo, với cách chi tiêu hiện nay, ngân sách đang đứng trước khả năng mất cân đối rất lớn. Theo ông Thắng, để có vốn đầu tư, đặc biệt là các công trình trọng điểm, Nhà nước phải đi vay, con cháu sau này phải trả. Trong khi đó, đầu tư công còn lãng phí lớn. Để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, nhất là trong đầu tư công, cần lập các hội đồng chuyên môn độc lập đánh giá dự án. Cơ quan Nhà nước dựa vào đánh giá của hội đồng chuyên môn để quyết định đầu tư hay không, không để các công chức Nhà nước ngồi vào hội đồng để bình xét các dự án do chính mình trình lên như hiện nay.

Để giảm chi, các giải pháp được Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đưa ra là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu, cơ cấu lại các khoản chi bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên; không ban hành các chính sách mới làm tăng chi hoặc giảm thu ngân sách. Phân bổ, sử dụng vốn đầu tư đảm bảo tập trung, có hiệu quả, ưu tiên vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm. Rà soát tổng thể chi để cơ cấu lại và cắt giảm các khoản chi NSNN không hiệu quả.

Củng cố nguồn thu bền vững

Để cân đối ngân sách bền vững, tăng thu cũng là một giải pháp quan trọng. Các chuyên gia nhấn mạnh, tăng thu phải đảm bảo tính bền vững của nguồn thu, phù hợp cân đối, khuyến khích sản xuất. Ngoài ra, phải bảo đảm nuôi dưỡng được nguồn thu. Với DN, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cho rằng, cùng với hỗ trợ bằng chính sách tài khóa (miễn, giảm thuế), phải có các chính sách khác đi kèm, DN mới phát triển được.

Hiện, thu ngân sách gồm các khoản thu nội địa (chủ yếu là thuế, phí, giá dịch vụ và các khoản thu từ các hoạt động kinh tế, đầu tư của Nhà nước); thu hải quan; thu từ hoạt động khai thác, bán, cho thuê các tài sản thuộc sở hữu Nhà nước; các khoản thu, đóng góp tự nguyện, trong đó có viện trợ không hoàn lại từ nước ngoài.
 Làm thủ tục nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Theo ông Nguyễn Thành Long, động viên nguồn thu vào thuế quá cao có thể làm giảm động cơ tiêu dùng, không khuyến khích sản xuất và rất khó đảm bảo được tính bền vững của quy mô thu ngân sách. Cấu trúc nguồn thu bền vững phải bảo đảm chủ yếu từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng trong nước là trọng yếu. Các nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và từ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản từng bước giảm dần cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế cũng như quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng. Trong thu nội địa, phải đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa thuế gián thu (thu từ tiêu dùng) và thuế trực thu (thu từ thu nhập và thuế đánh vào tài sản). Đồng thời, cơ cấu thu ngân sách bền vững cũng phải hạn chế sự phụ thuộc vào các khoản thu chịu nhiều tác động của các yếu tố ngoại sinh, các khoản thu không thường xuyên. Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các khoản thu từ vốn, từ tài nguyên trong việc đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên.

Dó đó, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục cải cách thu ngân sách; củng cố nguồn thu bền vững, đặc biệt gia tăng vai trò thu nội địa, chủ động ứng phó trong bối cảnh thu từ hải quan và thu từ các hoạt động khai thác tài nguyên sụt giảm. Cải cách hệ thống thuế theo hướng đẩy mạnh hơn nữa vai trò thuế gián thu trong mối tương quan với thuế trực thu dựa trên thu nhập. Tăng cường quản lý bội chi NSNN và có lộ trình từng bước giảm bội chi NSNN; đổi mới và kiểm soát chặt công tác phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn chi.

Muốn nền tài chính công hướng tới phát triển bền vững cần đặc biệt nhấn mạnh tính công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và một quy chế chi tiêu ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, được kiểm soát chặt chẽ.

Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ KH&ĐT) Bùi Tất Thắng


Các nhiệm vụ chi thường xuyên cần phải được trang trải đủ bằng các nguồn thu thường xuyên. Việc sử dụng số tăng thu “đột biến” từ các khoản thu có tính chất một lần hoặc các khoản thu hữu hạn (thu từ tài sản, từ tài nguyên) để đảm bảo nguồn cho việc xây dựng các chính sách chi thường xuyên có thể tạo ra các rủi ro về đảm bảo nguồn trong tương lai.

Chủ tịch HĐQT HNX Nguyễn Thành Long


Trong cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ đang chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tỷ trọng dư nợ Chính phủ trong tổng nợ công giai đoạn 2011 - 2016 khoảng 78%. Những năm gần đây, tỷ lệ nợ công so với GDP tăng nhanh, từ 51,7% GDP (năm 2010) lên 63,7% GDP (năm 2016). Nghĩa vụ trả nợ hàng năm tăng mạnh, trong khi việc sử dụng nguồn vốn vay kém hiệu quả đã và đang đặt ra vấn đề về cân đối nguồn để trả nợ, từ đó ảnh hưởng đến an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.