Nan giải bài toán chợ ven đê ở Văn Khê

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh, mặc dù chính quyền địa phương đã bố trí quỹ đất để xây dựng chợ, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thể triển khai.

Không có chợ,  người dân  buộc phải tổ chức họp chợ ngay tại khu vực ven đê sông Hồng gây ảnh hưởng giao thông và vi phạm Luật Đê điều.
Chợ tự phát thành chợ chính
Không ai còn nhớ chợ Văn Khê họp ven đê sông Hồng đoạn qua xã có tự bao giờ. Nhưng những tiểu thương hiện kinh doanh tại khu chợ tự phát này cho biết, từ khoảng năm 2011 đến nay, nơi đây trở thành điểm buôn bán quan trọng của người dân trên địa bàn xã Văn Khê cùng nhiều địa phương lân cận. Chủ cửa hàng tạp hóa Liên Trường cho biết, gia đình chị đã kinh doanh tại khu chợ ven đê này hàng chục năm. Ban đầu là vận chuyển hàng hóa ra khu chợ bán hàng ngày. Một vài năm trở lại đây, gia đình chị dựng nhà bằng khung sắt kiên cố để tiện phục vụ kinh doanh. Từ đó đến nay chưa có… vấn đề gì (?!)

Chợ Văn Khê nằm ven đê sông Hồng  là điểm giao thương quan trọng của người dân địa phương và khu vực lân cận. Ảnh: Trọng Tùng

Khảo sát xung quanh khu chợ, tính sơ bộ có khoảng 20 nhà khung sắt tương tự cửa hàng tạp hóa Liên Trường được dựng lên phục vụ kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Nhiều nhất là thực phẩm tươi sống. Bên cạnh đó là các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt. Chợ họp hàng ngày, bắt đầu từ khoảng 3 giờ sáng, nhộn nhịp nhất vào tầm 6 - 7 giờ. Tuy nhiên, đông nhất vẫn là những ngày rằm, lễ Tết.
Điều đáng nói, việc họp chợ ven đê ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của người dân, bởi tuyến đê được thiết kế kết hợp làm đường giao thông. Thời điểm buổi sáng,  xe máy, phương tiện thô sơ đậu kín đường đê khiến lưu thông gặp khó khăn. Không chỉ vậy, việc họp chợ, xây dựng công trình bán kiên cố ven đê còn vi phạm quy định của Luật Đê điều, trong đó, không loại trừ khả năng kết cấu đê bị ảnh hưởng.
Có đất nhưng vẫn… bất lực
Thực tế cho thấy, dù chỉ hình thành tự phát nhưng chợ Văn Khê có vai trò rất quan trọng. Không chỉ tiểu thương, nhiều người dân chia sẻ, nếu không có chợ Văn Khê, họ sẽ phải đi chợ xã Thạch Đà hoặc chợ Hạ Lôi (xã Mê Linh). Tuy nhiên, đây đều là những phiên chợ chiều và không mấy thuận lợi cho việc đi lại.  
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Khê cho biết, địa phương hiện không có chợ. Trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã cũng không có hạng mục chợ, dù nhu cầu giao thương thực tế rất lớn. “Chúng tôi đã bố trí sẵn quỹ đất trên 3.000m2 để xây dựng chợ, nhưng do không nằm trong quy hoạch nên chưa thể xây dựng…” - ông Chung nói và cho biết, xã đã có văn bản xin ý kiến UBND huyện Mê Linh cho phép xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm kết hợp chợ. Huyện đồng ý về chủ trương, nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay chưa thể thực hiện.
Liên quan tới vấn đề xử lý vi phạm chợ trên đê, ông Nguyễn Văn Chung cho rằng, nếu kiên quyết dẹp bỏ, sẽ bị ảnh hưởng lớn đến đời sống của một bộ phận người dân không chỉ ở xã Văn Khê mà nhiều địa phương lân cận. Theo ông Chung, địa phương vẫn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con tiểu thương trong quá trình hoạt động cố gắng không gây ảnh hưởng tới giao thông. Tuy nhiên, để bảo đảm các quy định của pháp luật về lâu dài, rất mong lãnh đạo các cấp quan tâm, bố trí vốn triển khai xây dựng chợ mới thay thế chợ ven đê Văn Khê hiện nay. Một mặt là để bà con kinh doanh, buôn bán, duy trì cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương. Mặt khác, giải quyết triệt để tình trạng vi phạm hành lang an toàn chân đê và trật tự giao thông, văn minh đô thị
            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần