Nan giải cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu trên môi trường mạng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nhất là sự bùng nổ của phương thức kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử vô cùng nhức nhối.

Gia tăng vi phạm, thủ đoạn tinh vi

Gần đây nhất (25/12), Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phối hợp với Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục thương mại điện tử và kinh tế số bất ngờ kiểm tra kho hàng nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa, thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều hàng hoá vi phạm và chủ kho chuyên bán hàng qua livestream, chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày trên nhiều nền tảng như Tiktok, Instagram, Facebook cũng như website Mailystyle.com.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng hoá vi phạm chuyên bán hàng qua livestream, chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày trên Tiktok, Instagram, Facebook tại Hà Nội vào cuối tháng 12/2023. 
Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng hoá vi phạm chuyên bán hàng qua livestream, chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày trên Tiktok, Instagram, Facebook tại Hà Nội vào cuối tháng 12/2023. 

Nền tảng Facebook Mailystyle.com có 332.000 lượt thích và 520.000 lượt theo dõi đăng tải công khai số tài khoản ngân hàng của Nguyễn Hoàng Mai Ly với 12 số điện thoại chốt đơn, tư vấn khách hàng. Đặc biệt, trong phiên livestream ngày 24/12, tài khoản Mailystyle.com đã thực hiện phiên live kéo dài 12 tiếng với 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm.

Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: "Sau thời gian dài theo dõi, chúng tôi cho rằng đây là một trong những kho hàng hoá cũng như giá trị hàng hoá rất lớn từ trước đến nay bị phát hiện. Chỉ tính riêng 1 lượt livestream trên tiktok với 15.000 người xem/lần livestream, trong vòng 20 ngày doanh thu đã lên tới gần 3 tỷ đồng”.

Trước đó, đầu tháng 12/2023, lực lượng QLTT đã theo dõi website phoxedien.com có chủ sở hữu là Công ty TNHH xe điện xe máy Vinh Phát có địa chỉ tại Quận 12, TP Hồ Chí Minh giới thiệu là nhà phân phối chính hãng của nhiều hãng xe: PEGA, KAZUKI, DK Bike, OSAKAR. Thẩm tra xác minh, lực lượng chức năng phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh của đơn vị này.

Theo đó, Cục Nghiệp vụ QLTT (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Cục QLTT các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang đồng loạt kiểm tra 10 chi nhánh thuộc chuỗi phoxedien.com. Sau 3 ngày kiểm tra, lực lượng tạm giữ trên 200 xe điện, xe máy các loại có dấu hiệu vi phạm để có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật.

Cục QLTT các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang đồng loạt kiểm tra 10 chi nhánh thuộc chuỗi phoxedien.com hồi đầu tháng 12/2023.
Cục QLTT các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang đồng loạt kiểm tra 10 chi nhánh thuộc chuỗi phoxedien.com hồi đầu tháng 12/2023.

Đó chỉ là 2 vụ việc điển hình trong số hàng trăm vụ hàng giả, hàng lậu trên môi trường mạng mà lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong năm 2023. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, dẫn đến các cơ sở chuyển dịch mạnh mẽ hình thức kinh doanh truyền thống sang online. Năm 2023, doanh thu thương mại điện tử ước đạt 20,5 USD. Hiện, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất trong Đông Nam Á với gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online khoảng 49,3 triệu người (tương đương 41% dân số).

Quyết liệt vào cuộc, đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Tổng cục QLTT đánh giá, bên cạnh những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, lực lượng QLTT xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng trong 3 - 5 năm tới.

 

Số liệu của Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2023, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022); thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng đồng; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022).

Ông Trần Hữu Linh cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, để công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao, lực lượng QLTT cũng khuyến cáo các cá nhân, tổ chức và người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là qua thương mại điện tử.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, dự báo trong cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Do vậy, lực lượng QLTT cả nước cần tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt chú trọng các ngành hàng, lĩnh vực thuộc định hướng kiểm tra năm 2024 của Bộ trưởng; các kế hoạch kiểm tra chuyên đề, đột xuất.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng pháp lý nhằm mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, phù hợp tầm nhìn phát triển của lực lượng. Trong năm 2024, lực lượng phải siết chặt kỷ luật công vụ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đơn vị; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng, các cơ quan thông tin truyền thông tại Trung ương và địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.