Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nan giải vấn đề nâng cao thu nhập cho nông dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau hơn 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, khu vực nông thôn ngoại thành đang từng bước chuyển mình theo hướng công nghiệp, hiện đại hóa.

Mặc dù vậy, không ít địa phương vẫn đang loay hoay với bài toán nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
 
Chưa đạt yêu cầu

Những năm qua, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả canh tác. Đến nay, tỷ lệ cơ cấu lúa lai trong vụ xuân của xã đạt 80%, vụ mùa đạt 65%. Ngoài ra, xã cũng chuyển đổi được 36ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá - vịt. Mặc dù vậy, thu nhập của người dân trên địa bàn vẫn đạt ở mức khiêm tốn với 12 triệu đồng/người/năm. Ông Lê Thành Chung - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Sơn chia sẻ, xã vẫn là thuần nông nên chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tỷ trọng nông nghiệp còn cao (59%), trong khi việc phát triển ngành nghề cho nông dân còn chậm nên thu nhập của người dân vẫn thấp.

Nan giải vấn đề nâng cao thu nhập cho nông dân - Ảnh 1

Nghề may tre đan giúp nông dân xa Phú Nam An, huyện Chương Mỹ nâng cao thu nhập.                      Ảnh: Quang Thiện

Không chỉ xã Hồng Sơn, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Mỹ Đức cũng đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM. Theo đánh giá của UBND huyện Mỹ Đức, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện mới đạt 15,5 triệu đồng/người/năm, còn quá thấp so với mức chuẩn NTM. Tương tự, tại huyện Ba Vì, đến nay, bình quân thu nhập đầu người khu vực NTM đạt 17 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tới 8,1%. Ông Hà Xuân Hưng - Bí thư Huyện ủy Ba Vì nhận định, công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất, dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện còn chậm và chưa nhân rộng được mô hình sản xuất hiệu quả. Bởi vậy, thu nhập của người dân vẫn chưa cao.

Tập trung nhiều giải pháp

Sau 3 năm xây dựng NTM, đến nay toàn TP Hà Nội có 244/401 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 19 tiêu chí. Trong đó, có 15 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, 97 xã đạt và cơ bản đạt 14 - 18 tiêu chí, 132 xã đạt và cơ bản đạt 10 - 13 tiêu chí, 139 xã đạt và cơ bản đạt 5 - 10 tiêu chí, 18 xã còn lại đạt và cơ bản đạt dưới 5 tiêu chí.

Thu nhập là một trong những tiêu chí rất khó thực hiện trong xây dựng NTM và cần một thời gian tương đối dài. Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, theo ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, các địa phương cần tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật và cơ hội việc làm. Hiện nay, Nhà nước đã có Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, song việc tiếp cận của người nông dân ở một số nơi vẫn còn hạn chế. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc tháo gỡ vấn đề này, tạo điều kiện cho người nông dân có việc làm, nâng cao thu nhập.

Tại các cuộc kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy trên địa bàn một số huyện mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái nhấn mạnh, để nâng cao thu nhập cho người nông dân, các địa phương cần tích cực lựa chọn các giống cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao để vận động nhân dân thực hiện. Đồng thời, đa dạng hóa loại hình và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn, trong đó chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ HTX.