Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nạn hát dạo bằng loa thùng: Thiếu chế tài xử phạt

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề loa thùng, loa kéo hát dạo tra tấn cư dân vừa được đặt lên bàn họp HĐND TP Hồ Chí Minh nhằm bàn cách ngăn chặn. Và vấn nạn này không chỉ là nỗi bức xúc của riêng TP Hồ Chí Minh mà còn là của người dân nhiều TP khác trên cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng…

Tình trạng hát dạo với loa thùng trên phố gây tiếng ồn, ảnh hưởng môi trường xung quanh. Ảnh: Trần Dũng
Mỏi mệt vì nghe hát
Chị Hà Sơn (sinh sống tại tòa nhà C’land Tower, Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ bức xúc khi khu vực Hồ Đắc Di (Xã Đàn) gần nhà chị rất nhiều quán bán nước vỉa hè kéo loa đài phục vụ khách hát. “Vào 18 - 19 giờ từ thứ Hai đến Chủ nhật là khách bắt đầu hát với âm thanh rất chát chúa làm người già ức chế, muốn đi nghỉ sớm cũng không thể yên thân trước 23 giờ. Đây cũng là thời gian trẻ nhỏ vào bàn học bài về nhà nhưng chúng cũng không thể tập trung vì âm vực lúc trầm, lúc bổng, lúc chát chúa của karaoke phát ra từ khu vực hồ.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 20 của HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu đã đề nghị UBND các cấp xử lý triệt để nạn hát karaoke bằng loa thùng, loa kéo gây ồn ào. Bởi loại hình karaoke di động không còn là loại hình giải trí đơn thuần mà đã trở thành vấn nạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
Có hôm nghe họ cất lời hát: “TP nào vừa đi đã mỏi”, tôi lại cảm thấy TP này nhiều khi chả cần đi cũng thấy mỏi vì nghe hát” - chị Hà Sơn bày tỏ. Không giống như nhà chị Hà Sơn, chị Minh Phương sinh sống tại đường Nguyễn Chí Thanh gần siêu thị điện máy N.K lại bị tra tấn âm thanh vào ban ngày. Họ bắc loa thùng mở bài “Tự hào Việt Nam” giới thiệu các sản phẩm khuyến mãi, tour đi tour lại từ 9 giờ sáng đến 21 giờ đêm.
Ngoài ra, rất nhiều hình thức tra tấn tiếng ồn bằng âm nhạc khác xuất hiện tràn lan ở các ngõ phố, con đường của Hà Nội. Từ nhóm hát dựng rạp, xin tiền ở ngã tư Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng - Mễ Trì, hay ngã tư Tôn Thất Thuyết - Phạm Hùng - Nguyễn Hoàng, hoặc ở ngã tư Nguyễn Thái Học - Trịnh Hoài Đức… đến nhóm nhỏ kéo loa thùng hát dạo ngả mũ xin tiền ở khắp con phố Trúc Bạch, Lý Văn Phức… Khách hàng cảm thấy phiền hà và ầm ĩ nhưng người hát dạo đứng dưới lòng đường nên chủ nhà hàng không có cơ sở để xua đuổi.
Tình trạng hát dạo bằng loa thùng không chỉ là vấn nạn của riêng Hà Nội, hay của TP Hồ Chí Minh mà còn của nhiều TP khác trên cả nước. Cư dân TP Đà Nẵng đã từng phản ánh tình trạng gây tiếng ồn trong khu dân cư, khu đô thị do mở nhạc, hát karaoke gây ảnh hưởng môi trường, an ninh trật tự và đời sống Nhân dân, điểm nóng là trên đường Lê Duẩn, Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ. 
Dân bức xúc
Thực tế, dân cư phản ánh xong rồi lại để đó, bởi vì chế tài xử phạt còn chưa đủ sức răn đe, chính quyền các địa bàn để xảy ra vấn nạn này còn chưa xử lý quyết liệt. Phó Chánh Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội Đặng Đức Hưng cho biết: Hình thức dùng loa thùng hát dạo không thể áp dụng quy định xử phạt về karaoke, vì quy chiếu khái niệm phòng hát, bản quyền ca khúc… thì hình thức này không được gọi là karaoke, cũng khó gọi là hình thức hát cho nhau nghe. Chính vì vậy, Thanh tra Sở VH&TT không có căn cứ xử phạt. Thanh tra Sở trao đổi với cơ quan quản lý quận, huyện để xử phạt về trật tự hoặc vi phạm ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, hầu hết chỉ có thể áp dụng phương án an ninh trật tự như lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khu công cộng.
Hàng năm, theo báo các của các xã phường, quận, huyện việc chú tâm xử phạt, ngăn chặn các hành động hát dạo, gây ô nhiễm tiếng ồn còn chưa được chú tâm. Theo giải thích của nhiều cán bộ xã, phường, thì rất khó để xác định mức độ ô nhiễm vì cán bộ phường, quận không có thiết bị đo tiếng ồn. Hoặc theo đại diện thanh tra ngành tài nguyên môi trường, việc xử phạt tiếng ồn vẫn có thể dựa theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức xử phạt cũng chỉ từ 100.000 - 500.000 đồng, tùy loại hình vi phạm. Ông Minh Phúc (cư dân quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) bày tỏ: “Không lẽ việc dẹp vấn nạn tiếng ồn chỉ trông chờ vào thiết bị đo đạc? Không lẽ lý do thiếu thiết bị, vốn đã kêu ca nhiều năm, nay vẫn tiếp tục thiếu? Không lẽ thấy mức xử nhẹ nên không ai xử?”.
Chuyện hát hò gây ồn ào có thể quá nhỏ so với nhiều vấn đề dân sinh khác nhưng dưới mắt người dân, đó là thước đo hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước. Phải sớm xóa những bức xúc do hát hò sai chỗ, sai giờ đang gây bức xúc cho người dân trong từng khu đô thị.