Nạn lấn chiếm lòng lề đường còn diễn ra nhiều

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên địa bàn TP HCM nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi tụ tập kinh doanh, buôn bán thời gian qua diễn ra khá phổ biến.

Mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại, gây mất trật tự mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông.

Từ sáng sớm, chợ Bình Trị Đông (đường Đất Mới, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) nằm sát mặt tiền đường, bên trong các sạp mua bán thưa thớt, ít khách hàng ghé mua. Tuy nhiên, dọc hai bên đường dài hàng trăm mét, cảnh mua bán khá nhộn nhịp, xe kéo, xe đẩy, hàng quán bày bán chật kính lòng lề đường, bên ngoài xe đỗ lộn xộn, khiến việc lưu thông qua lại trên đoạn này gặp rất nhiều khó khăn.
Đoạn đường Đất Mới (gần chợ Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) luôn ùn tắt giao thông do buôn bán tràn lan trên lòng, lề đường.
Đoạn đường Đất Mới (gần chợ Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) luôn ùn tắc giao thông do buôn bán tràn lan trên lòng, lề đường.
Cách đó không xa, trên đường Lê Văn Quới giao nhau với đường Đất Mới (một bên là phường Bình Trị Đông A, còn một bên là phường Bình Hưng Hòa A thuộc quận Bình Tân), trên tuyến đường này có rất đông người tụ tập dưới lòng, lề đường để buôn bán. Có đoạn chiếm hơn một nửa diện tích đường giao thông, các phương tiện phải chen nhau nửa diện tích mặt đường còn lại để lưu thông. Vào giờ cao điểm buổi sáng, trưa và chiều, các phương tiện lưu thông trên tuyến đường Lê Văn Quới qua các đoạn này gặp nhiều khó khăn vì vướng những điểm buôn bán dưới lòng đường. Đường Lê Văn Quới là một trong những tuyến giao thông trọng yếu bởi rất nhiều phương tiện lưu thông lớn nhỏ ra vào trung tâm Thành phố và xuôi ngược ra hướng Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú, Hóc Môn. Khách mua hàng vô tư đậu xe, rác thải vứt tứ tung, làm cho quang cảnh trở nên bát nháo, dơ bẩn. 

Chợ Tân Mỹ (đường Tân Mỹ, phường Tân Phú, quận 7), bên trong cũng thưa vắng khách, bên ngoài trên đường số 1 gần hông chợ rất nhộn nhịp. Hàng gì cũng có, từ thịt cá, thủy hải sản cho đến rau, củ quả… Người bán không những bày hàng trên vỉa hè mà còn tràn xuống cả lòng đường. Người mua nếu thấy món nào ưng ý, dừng xe, vô tư mặc cả với người bán ngay trên đường. Cả người mua lẫn người bán dường như chẳng để ý đến những người đi đường đang cố gắng tránh họ để vượt lên. Đoạn đường này rất đông bởi lượng người làm việc từ trung tâm Thành phố xuôi về hướng giao nhau giữa đường Nguyễn Thị Thập, đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu Phú Mỹ Hưng, quận 7, Nhà Bè…

Còn các chợ như Tân Định (quận 1), Văn Thánh (Bình Thạnh), chợ Nguyễn Đình Chiểu (Phú Nhuận), chợ Rạch Ông (quận 8)… Bên trong chỉ có những sạp vải, quần áo, các mặt hàng gia dụng là đông khách, còn khu vực bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả rất vắng vẻ, nhiều sạp gần như đóng cửa vì không kinh doanh được, trong đó có chợ Văn Thánh mới xây dựng nhưng không có người vào bên trong mua bán. Trong khi đó hầu hết các con đường quanh chợ có đến hàng trăm quầy hàng buôn bán nhỏ, đổ xô lấn gần hết mặt đường. Vì thế, giờ cao điểm rất nhiều người đi lại, làm cản trở, ùn tắc giao thông, gây nhếch nhác, ảnh hưởng đến trật tự và mỹ quan đô thị.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Minh -nguyên là cán bộ của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chia sẻ: “TP HCM đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, người nhập cư từ các tỉnh về thành phố rất đông. Một trong những nghề mà những người nhập cư hay làm là buôn bán. Với số vốn ít ỏi, sẽ không có nhiều người có đủ tiền để thuê sạp trong chợ nên phương án họ chọn sẽ là tràn ra đường buôn bán. Mặt khác, trình độ dân trí của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam còn hạn chế, nếu không có những hình thức xử lý nghiêm khắc, khó lòng lập lại trật tự an toàn giao thông”.

Trong khi đó, đơn vị quản lí đô thị ở các quận trên địa bàn Thành phố đều thừa nhận: Quận tổ chức nhiều đợt ra quân lập lại trật tự lòng lề đường, các tuyến đường trên địa bàn quận đã được trả lại sự thông thoáng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn các "điểm đen" về buôn bán lấn chiếm lòng lề đường lại tái diễn. Khi có lực lượng thanh tra xây dựng, dân phòng thì việc mua bán diễn ra rất trật tự không có hiện tượng lấn chiếm lòng, lề đường. Nhưng khi lực lượng chức năng rời khỏi thì người dân lại vô tư mua, bán trên lề, dưới lòng đường.

Thực tế, chúng tôi nhận thấy tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán ở ở một số nơi trên địa bàn TP HCM đang diễn ra rất lộn xộn. Qua đó, chính quyền các cấp Thành phố cần quyết liệt hơn nữa và có giải pháp lâu dài để ổn định trật tự, không để tình trạng đường biến thành chợ tự phát, làm mất vẻ mỹ quan đô thị, ùn tắt, cản trở giao thông.                               

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần