KTĐT - Những ngày cuối năm sinh viên thường tổ chức tụ tập, nhưng lại thiếu tinh thần cảnh giác nên đến tháng “củ mật” (tháng chạp) nạn mất cắp ở xóm trọ sinh viên “nóng bỏng” hơn bất kỳ thời điểm nào.
Mất cắp “hoành hành” Ngủ trưa dậy, vội vàng ra trước sân phơi lấy quần áo để đi học, Văn (SV ĐH Hồng Bàng) giật mình khi không thấy chiếc xe cào cào dựng trước phòng. Văn liền lên tiếng hỏi một SV trong xóm: “Có ai mượn xe tớ không?”. Mọi người lắc đầu, thì bất ngờ, một nữ sinh viên trong xóm cũng hét lên: “Xe tớ cũng không thấy đâu”. Cả khu trọ tá hỏa mới hay không chỉ hai chiếc xe đạp mà hai bạn nữa mất điện thoại, một số quần Jean và áo sơ mi trước nhà cũng bị “cuỗm”. Xóm trọ này nằm trong con hẻm trên đường Thống Nhất (quận Gò Vấp, TPHCM), vẫn được xem là khu an ninh cao. “Mình ở đây gần một năm, chưa mất gì bao giờ. Xe đạp bọn mình có dắt vào đâu, dựng trước phòng thế thôi”, Văn nói. Thời điểm cuối năm, sinh viên nhiều xóm trọ khác cũng “té ngửa” khi thường xuyên xảy ra mất đồ. Nguyễn Thị Ngọc (SV trường ĐH Sài Gòn) thuê phòng ở dãy trọ bốn tầng trên đường Ba Vì (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, cả tuần nay dãy trọ chỗ cô cũng liên tiếp bị mất đồ đạc. Ngọc kể: “Hôm chủ nhật vừa rồi, anh ở tầng ba mất chiếc xe Ware, dù đã khóa cổ, khóa dây rồi đó. Xe để ở lầu trệt, mình phải tự bảo quản, chủ nhà không chịu trách nhiệm. Còn điện thoại, đồ đạc lặt vặt trong phòng mất nhiều lắm…”. Ngay trong phòng Ngọc, một bạn cũng vừa bị mất bị mất một chiếc điện thoại. “Cô bạn ở nhà một mình, vào nhà vệ sinh quay ra thì chẳng nhìn thấy điện thoại đâu nữa. Cũng do bọn mình không khép cửa phòng khi ở nhà”, Ngọc cho hay. Ở khu trọ có đến 40 phòng, theo Ngọc người lạ có “lẫn” ra vào trong khu cũng khó biết được. “Nhiều lúc thấy có người lạ lượn lờ trước hành lang nhưng mình đâu dám hỏi vì cả khu hơn trăm người ở, mình đâu biết hết mặt”. Chủ yếu do sinh viên thiếu cảnh giác Cuối năm cũng là mùa “làm ăn” của dân trộm cắp, đặc biệt các khu trọ luôn là địa bàn chúng dễ bề hoạt động nhất. Nguyên nhân chủ yếu là SV sống trong môi trường tập thể nên rất mất cảnh giác. Thời điểm này, nhiều chủ trọ còn treo bảng hay ghi những dòng chữ “Đề phòng mất cắp”, “Cẩn thận người lạ” ngay trước xóm trọ nhưng SV cũng rất ít khi “nhập tâm”. Cô Phượng, chủ nhà 6 phòng trọ ở trên đường Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, mới đây cô đã treo tấm bảng “Đề phòng mất cắp” ở cổng khu trọ và dặn dò SV phải ra vào khóa cổng cẩn thận. Nhưng ngày hôm trước, xe đạp, xô chậu đến quần áo trong khu trọ gần như bị mất sạch. Cô Phượng lắc đầu: “Chủ yếu là SV chủ quan thôi. Cổng ra vào chung nên đứa nào cũng lười khóa, cứ dành người sau đi về khóa. Năm này cả vậy, cứ trước Tết là mất đồ liên tục mà sinh viên cứ tỉnh bơ vậy. Nhiều sáng đi thể dục, tôi ghé thấy cổng mở toang hoắc, xe cộ dựng ngoài không mất mới lạ”. Thêm một lý do nữa, dịp cuối năm SV thường kéo bạn bè về phòng tụ tập nên an ninh ở xóm trọ cũng trở nên bất an hơn. Liên (SV ĐH KHXNH&NV TPHCM thuê trọ ở đường Kha Vạn Cân), vừa bị mất chiếc điện thoại N73 sau một buổi “họp mặt” nhóm của cô bạn cùng phòng trọ. “Chẳng dám nghi ngờ gì nhưng mình ở trong phòng, sau khi mọi người tàn tiệc thì mình phát hiện điện thoại mất. Cuối năm, sinh viên thường kéo nhau tụ tập, người ra người vào, lộn xộn lắm”. Liên nói, giọng vẫn chưa hết buồn bã. Các dãy trọ nhiều phòng, người thuê đông và nhiều thành phần thì nạn mất trộm càng dễ xảy ra. Và sinh viên cũng biết không chỉ “trộm ngoài” mà còn có cả “trộm trong”. Chỉ cần chủ quan, mất cảnh giác để mất đồ đạc thì họ lại “méo mặt”, lại phải tằn tiện để sắm đồ mới.