Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị .

Ngày 20/3, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 217 về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” và Quyết định 218 ban hành “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” của Bộ Chính trị (khóa XI). Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đến dự và phát biểu chỉ đạo.

 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị .
Kinhtedothi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị .
Việc ban hành quy chế và quy định này để thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng; thực hiện Hiến pháp và phát huy tốt hơn nữa việc giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể. Công tác giám sát của Mặt trận và đoàn thể cần phải trải qua các bước: Theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá và kiến nghị. Còn muốn phản biện được, phải trải qua 5 bước: Nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến và kiến nghị. Quy chế cũng yêu cầu, để giám sát và phản biện được phải có trình độ, hiểu biết và kiến thức sâu rộng, không được lợi dụng giám sát để làm những việc không đúng quy định. Phải lựa chọn nội dung giám sát, chứ không giám sát tràn lan, trùng lắp. Tất cả những nội dung giám sát phải được bàn bạc, thống nhất, được sự đồng ý của cấp ủy Đảng. Việc giám sát của Mặt trận và đoàn thể không được vượt ra ngoài phạm vi quy định. Khi kết thúc cuộc giám sát phải đưa ra được kết quả giám sát.

Đối với Quyết định 218, khi Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, chính quyền phải phù hợp các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước, không được lợi dụng góp ý để vu cáo, đả kích, bôi xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và hoạt động của tổ chức, cá nhân. Phương pháp góp ý cho Đảng, chính quyền bằng nhiều hình thức. Trong đó, hàng năm tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy ở địa phương với nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái yêu cầu các cấp ủy cần tập trung triển khai hai Quyết định trên với kế hoạch cụ thể; tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về quyền, trách nhiệm trong việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội TP thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất cán bộ; đảm bảo đủ khả năng tham gia công tác giám sát và phản biện xã hội. Hàng năm, HĐND – UBND TP phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các đoàn thể để thống nhất chọn các chương trình, đề án cần giám sát, phản biện, báo cáo với cấp ủy.

Trước mắt trong năm 2014, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đề nghị Đảng Đoàn Uỷ ban MTTQ TP phối hợp với Ban cán sự Đảng UBND TP  chọn điểm chương trình, đề án để chỉ đạo giám sát, phản biện xã hội. Ban Thường vụ Thành đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện điểm việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.