Tham dự và chủ trì diễn đàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Bí thư Thường trực T.Ư đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản.
Nâng cao chất lượng hoạt động đoàn khối địa bàn dân cư
Phát biểu định hướng diễn đàn, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh cho biết, hiện nay, TP Hà Nội hiện có 725.855 đoàn viên, trong đó có 273.358 đoàn viên sinh hoạt tại địa bàn dân cư, 416.856 đoàn viên sinh hoạt tại các trường học, 25.300 đoàn viên sinh hoạt tại các doanh nghiệp, 4.249 đoàn viên là cán bộ, công nhân viên chức và 6.092 đoàn viên khối lực lượng vũ trang. Trong đó, khối địa bàn dân cư có 30 quận, huyện, thị đoàn, 579 đoàn thanh niên xã, phường, thị trấn với 7.824 chi đoàn (khối quận có 2.308 chi đoàn, khối huyện có 5.516 chi đoàn).
Triển khai các chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư, TP, trong những năm qua, Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động. Trong đó tập trung vào đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt đoàn và tổ chức hoạt động tại cơ sở; phân công cán bộ phụ trách dự sinh hoạt chi đoàn, cung cấp tài liệu sinh hoạt chi đoàn, hỗ trợ, tập huấn các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ Bí thư chi đoàn.
Tuy nhiên việc tổ chức sinh hoạt, hoạt động chi đoàn gặp nhiều khó khăn do số lượng đoàn viên ít dẫn đến quy mô hoạt động thường nhỏ lẻ, thiếu sự hấp dẫn đối với đoàn viên. Bên cạnh đó, còn một bộ phận cán bộ Đoàn khu vực địa bàn dân cư chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, trong khi đó công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chưa có sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Ban Tổ chức đã nhận được 26 tham luận từ các đơn vị, tập trung vào việc nêu thực trạng công tác cán bộ của đoàn khối địa bàn dân cư, những kết quả đạt được, vấn đề còn hạn chế và đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ đoàn nói riêng và hoạt động của đoàn khối địa bàn dân cư nói chung.
Mạnh dạn giao việc khó, mới để thử thách, rèn luyện
Tại diễn đàn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong cho rằng, thực tiễn công tác tại quận cho thấy, đầu ra cho cán bộ Đoàn, đặc biệt là cấp phường vẫn là một nỗi trăn trở đối với cấp uỷ. Bởi khi Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, cán bộ của UBND phường cơ bản đã ổn định, trong khi một số cán bộ Đoàn khi hết tuổi lại không đáp ứng đủ các yêu cầu cho vị trí công tác còn khuyết. Số lượng cán bộ, công chức trẻ đủ tuổi công tác trong lĩnh vực Đoàn ngày càng ít và một số đồng chí cán bộ rất có năng khiếu, sở trường trong công tác Đoàn, có uy tín đối với thanh niên nhưng lại chưa là cán bộ công chức.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong nêu giải pháp, mỗi cán bộ Đoàn cần không ngừng học tập nâng cao trình độ, tu dưỡng rèn luyện đạo đức, cầu thị học hỏi có những kinh nghiệm công tác phong phú, đủ các điều kiện sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Các cấp ủy cần quan tâm, tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn, mạnh dạn giao cho cán bộ Đoàn những khâu khó, việc mới để thử thách, rèn luyện và trưởng thành. Đặc biệt, cần ban hành cơ chế chính sách về xét tuyển, thi tuyển đối với đội ngũ Bí thư Đoàn thanh niên các phường khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị để cán bộ Đoàn được đảm bảo quyền lợi, yên tâm công tác, cống hiến và trưởng thành.
Trong khi đó, Bí thư Quận đoàn Cầu Giấy Lê Thị Thu Trang cho rằng, trước việc không thường xuyên tổ chức kỳ thi tuyển công chức Đoàn, khiến cho hẹp cả “đầu vào” và thắt cả “đầu ra” đối với cán bộ Đoàn. Bên cạnh đó, chế độ chính sách và mức lương thực tế chưa tương xứng với những đòi hỏi về chất và lượng mà cán bộ trẻ phải đáp ứng vì vậy tại một số nơi, một bộ phận cán bộ Đoàn đã nghỉ việc.
Bí thư Quận đoàn Cầu Giấy nêu kiến nghị, Thành đoàn Hà Nội định kỳ hàng năm tiến hành rà soát, báo cáo tình hình thực tế số lượng cán bộ công chức trên tổng số biên chế cán bộ Đoàn tại các cơ quan chuyên trách cấp quận, huyện trở lên. Tham mưu đề xuất Thành ủy Hà Nội có cơ chế thi tuyển, xét tuyển công chức cho riêng vị trí cán bộ Đoàn và nên tổ chức tối thiểu 2 năm 1 lần…
Tiếp tục tham mưu các chính sách đối với cán bộ Đoàn
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, việc xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Cấp ủy quan tâm đến cán bộ Đoàn chính là quan tâm đến công tác Đảng, đến cán bộ Đảng trước một bước.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, Đoàn khối địa bàn dân cư có vị trí, vai trò rất quan trọng, gắn kết với thanh niên nhất, song hiện nay hoạt động còn khó khăn. Kết quả đại hội nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, tuổi bình quân của cán bộ đoàn cơ sở đã trẻ hơn và trình độ chuyên môn Cao đẳng, Đại học chiếm trên 90%. Đây là nguồn quan trọng cho đội ngũ cán bộ cơ sở thời gian tới.
Ở cấp Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ Đoàn, phân công về làm cán bộ chủ chốt tại các quận, huyện, thị. Ngoài ra, kinh phí bố trí cho hoạt động của Đoàn thanh niên các cấp cũng được TP rất quan tâm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã trực tiếp giải đáp một số kiến nghị, đề xuất cũng như tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở. Đồng thời đề nghị nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, Thành đoàn Hà Nội tập trung tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2022-2027.
Ngay sau Đại hội, cần tiếp tục tham mưu các chính sách đối với cán bộ Đoàn; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn thanh niên các cấp, nhất là ở khu dân cư.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chia sẻ, mong muốn bản thân mỗi cán bộ Đoàn các cấp cần có khát vọng, hoài bão; không ngừng học tập, nâng cao trình độ, trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, lý luận và những yêu cầu công tác trong điều kiện, tình hình mới để đảm bảo năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.