Nội dung, cách thức tập huấn không được đổi mới theo hướng báo cáo viên cùng các hòa giải viên trao đổi, thảo luận giải quyết các tình huống đã mang lại nhiều kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời khơi gợi hứng thú cho các hòa giải viên.
Những tình huống được ra trong các buổi tập huấn xoay quanh các mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng dân cư. Việc tổ chức tập huấn thông qua trao đổi tình huống đã giúp hòa giải viên dễ hiểu, dễ nhớ các quy định pháp luật, nhận diện được những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong sự việc cần hòa giải. Trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa các quy định pháp luật, đạo đức xã hội, các phong tục tập quán tốt đẹp, hòa giải viên vận dụng linh hoạt các kỹ năng hòa giải để cảm hóa các bên tranh chấp tự giải quyết mâu thuẫn. Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng Tư pháp quận Thanh Xuân cho biết, qua buổi tập huấn, các tổ trưởng và hòa giải viên các tổ hòa giải đã được trang bị các kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Từ đó, vận dụng linh hoạt trong hoạt động hòa giải, góp phần thực hiện tốt công tác hòa giải tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Sỹ Tuấn - Phó Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, Hà Nội luôn ghi nhận và đánh giá cao vai trò quan trọng của công tác hòa giải trong việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, sự đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài. Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở cũng như hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.
6 tháng năm đầu năm 2017, toàn TP đã hòa giải thành công 3.152/4.227 vụ việc, đạt tỷ lệ 74,6%. Việc hỗ trợ kinh phí đối với hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở năm 2017 được UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt. Mức hỗ trợ kinh phí cho các vụ việc hòa giải thành công tùy thuộc vào điều kiện địa phương với mức chi từ 100.000 - 200.000 đồng/vụ. |