Nâng cao chất lượng thanh tra trên nhiều lĩnh vực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, gắn trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng chống tham nhũng (PCTN), nên công tác thanh tra của TP Hà Nội thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng trao phần thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.	Ảnh: Hữu Trường
Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng trao phần thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Hữu Trường
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngành thanh tra Nhà nước (23/11/1945 - 23/11/2015), phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng về vấn đề này. 

Ông có thể cho biết kết quả đạt được trong công tác thanh tra, giải quyết KNTC thời gian qua?

- Từ đầu năm 2011 đến nay, các đơn vị thanh tra của TP đã tổ chức thực hiện 1.463 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm 2.181,4 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 1.064,9 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 1.838,6ha đất, xử lý hành chính 272 tập thể, 223 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 20 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 200,4 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2015, Thanh tra TP và các quận, huyện, thị xã đã triển khai 374 cuộc thanh tra, trong đó có 225 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 149 cuộc đột xuất ở các lĩnh vực quản lý ngân sách, xây dựng, đất đai... Qua đó, phát hiện sai phạm 1.173,1 tỷ đồng và 48ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm 119 tập thể, 80 cá nhân do buông lỏng quản lý đất đai dẫn đến xảy ra sai phạm; xử phạt hành chính 61,8 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hình sự 7 vụ.

Trong 5 năm qua (2011 - 2015), Thanh tra TP vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Chánh Thanh tra TP; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; 3 năm liền được tặng Cờ thi đua xuất sắc cùng nhiều Bằng khen của UBND TP và Thanh tra Chính phủ.

Năm 2015, Thanh tra TP và các đơn vị đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao từ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC đến PCTN để góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ đô.

Có được kết quả trên, Thanh tra TP đã thực hiện kế hoạch cụ thể gì, thưa ông?

- Hàng năm, Thanh tra TP Hà Nội đã tham mưu giúp Thành ủy, UBND TP ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác thanh tra, PCTN. Trong đó, công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan niêm yết công khai lịch tiếp công dân, thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, nhất là việc tiếp công dân của Thủ trưởng đơn vị. Nhờ đó, đã kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp.

Để đảm bảo tính khách quan trong quá trình thanh tra, việc giám sát hoạt động các đoàn thanh tra cũng được Thanh tra TP quan tâm. Bên cạnh đó, cán bộ đoàn thanh tra còn thường xuyên được giao nhiệm vụ kiểm tra công tác xử lý vụ việc sau thanh tra. Đồng thời, tập trung thanh, kiểm tra đột xuất, làm rõ, giải quyết dứt điểm các vụ việc gây bức xúc cho số đông người. Qua đó đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, kiến nghị, xử lý thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, bị chiếm dụng trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, giảm tham nhũng.

Thời gian tới, Thanh tra TP chú trọng đến những vấn đề gì để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của đơn vị?

- Mục tiêu chính của công tác thanh tra trong thời gian tiếp theo là nâng cao chất lượng thanh tra và tăng cường thanh tra đột xuất trên tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước, trong đó chú trọng đến các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm, như: Công tác tổ chức cán bộ, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, tài chính. Mặt khác, Thanh tra TP tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành tăng cường trách nhiệm thực hiện có hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC và PCTN.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường đối thoại với công dân ngay tại địa phương nơi xảy ra vụ việc để tìm giải pháp giải quyết nhằm ổn định tình hình. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật cho phù hợp với thực tiễn; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng quy chế công khai, minh bạch trong điều hành hoạt động của các cơ quan, đơn vị nhằm hạn chế KNTC, ngăn ngừa tiêu cực...

Xin cảm ơn ông!