Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia về quy hoạch đô thị, KTS Trần Huy Ánh.
Ông đánh giá thế nào về những thành quả mà Thủ đô Hà Nội đã đạt được trong phát triển hạ tầng đô thị sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính?
- Trước hết, ta phải hiểu vì sao cần phải mở rộng địa giới hành chính cho Thủ đô Hà Nội? Có rất nhiều ý kiến cho rằng để Thủ đô có thêm đất đai nhằm kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng: giao thông, cây xanh, mặt nước, nhà ở, y tế, giáo dục, xử lý rác thải... nếu đánh giá từng mặt thì cần những tổng kết khách quan, khoa học và cả thời gian, tiền bạc. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, về tổng thể mở rộng địa giới hành chính là để Hà Nội có đủ điều kiện để xây dựng đô thị xứng tầm với vai trò của một Thủ đô.
Trên thực tế, quá trình mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội đã được chuẩn bị từ trước đó rất lâu vì Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội tới 2020 được Thủ tướng quyết định năm 1998 đã có nội dung quy hoạch các đô thị, điểm dân cư Miếu Môn, Xuân Mai, Hòa Lạc (thuộc tỉnh Hà Tây cũ) và Xuân Hòa, Phúc Yên (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) có trong chùm đô thị Hà Nội.
Đến năm 2005, Hà Nội bắt tay vào triển khai mở rộng tuyến đường Láng – Hòa Lạc, chỉ trong vòng 3 năm đã hoàn thành và chính quyền tỉnh Hà Tây cũ cũng khởi động ngay trục kinh tế nối từ Sơn Tây đến phía Tây Hà Nội, với 744 dự án đô thị được phê duyệt quy hoạch, kéo theo đà tăng trưởng của thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội. Đây được xem là những bước chuẩn bị đầu tiên.
Ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP Hà Nội đã thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, từ 2012 – 2022, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế tri thức, tiền đề cho định hướng nền kinh tế 4.0 hiện nay. Điểm nhấn của chiến lược này là hình thành Khu đô thị công nghệ cao Hòa Lạc. Mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội sẽ trở thành trung tâm sáng tạo hàng đầu với khoa học công nghệ tiên tiến, trình độ giáo dục – đào tạo đạt chuẩn quốc tế.
Nếu nói chi tiết hơn về những thành quả, tôi có thể liệt kê sơ lược như sau: Về hạ tầng giao thông, 10 tuyến đường sắt đô thị, xe buýt nhanh (BRT) với 413km được quy hoạch, một số tuyến đã đi vào vận hành, hoạt động giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn; 3/4 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng hoàn thành (Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân); hàng trăm dự án nhà ở, khu đô thị đã hoàn thành cung cấp hàng chục triệu mét vuông sàn nhà ở cho người dân đô thị... Đây là kết quả đáng ghi nhận, nhưng trong suốt thời gian này vẫn còn không ít những bất cập, hạn chế.
Những bất cập, hạn chế trong ông muốn nhắc đến ở đây trong quá trình này là gì?
- Đơn cử đối với hệ thống giao thông công cộng (đường sắt đô thị và BRT), Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ đưa vào vận hành 178km, nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành được 15%; tỷ lệ đất giao thông/đất xây dựng là 10,07% đạt 50% so với mục tiêu (18 - 26%). Mật độ đường giao thông là 1,83km/km2, đạt 15% mục tiêu đặt ra (10 - 13km/km2);
Hệ thống bệnh viện, xí nghiệp gây ô nhiễm đô thị trong nội đô chậm di dời; Trụ sở bộ, ngành, trường đại học... xây mới nhưng vẫn hoạt động ở cơ sở cũ, thậm chí còn được xây dựng lại hoành tráng hơn; Công viên cây xanh, trường học công lập xuống cấp nhưng chậm được cải tạo, chỉnh trang; hay hàng chục nhà máy xử lý nước thải được đầu tư xây dựng với hàng tỷ đô la Mỹ mà Hà Nội vẫn chưa thoát khỏi cảnh ngập lụt mỗi khi có mưa lớn.
Bên cạnh đó đối với công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất đô thị và phát triển thị trường bất động sản, giai đoạn 2011 – 2021, Hà Nội có thêm khoảng 70 triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại, nhưng lại luôn thiếu hụt nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phục vụ cho nhóm người thu nhập thấp – đối tượng yếu thế trong xã hội, cần được đặc biệt quan tâm.
Ngoài ra, hàng nghìn héc ta đất sạch đã được giao cho các chủ đầu tư để phát triển dự án nhà ở, dự án khu đô thị nằm “đắp chiếu” thời gian dài, gây lãng phí nguồn lực xã hội... Những vấn đề này đã được nói đến, được đưa ra mổ sẻ rất nhiều, nhưng dường như chưa có một giải pháp nào thực sự hiệu quả.
Vậy đâu là giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thưa ông?
- Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất là cần phải đổi mới tư duy về công tác quy hoạch. Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, rất nhiều đồ án quy hoạch đã không còn phù hợp với thực tế phát triển nhanh trong giai đoạn kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng với quốc tế như hiện nay.
TP Hà Nội phải tập trung một cách quyết liệt, khách quan trong việc rà soát, đánh giá những đồ án quy hoạch cũ, để từ đó đề xuất những giải pháp để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phát triển. Việc xây dựng những đồ án quy hoạch phải kết hợp với phân tích phổ quang, giải đoán nhiệt, có dự báo, đo lường tính hiệu quả và phòng ngừa rủi ro; cao hơn nữa còn phải tính đến cả việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ công tác này.
Hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0, Thủ đô Hà Nội phải tận dụng triệt để những lợi thế này trong công tác quy hoạch đô thị. Do vậy cũng cần phải bắt nhịp và ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng những phát minh, sáng chế để nâng cao hiệu quả của công tác quy hoạch.
Xin cảm ơn ông!