70 năm giải phóng Thủ đô

Nâng cao hiệu quả của việc lát đá vỉa hè: Xem lại cả cách sắp xếp phương tiện

Bài, ảnh: Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị, nhu cầu đi lại của người dân, TP Hà Nội đã và đang triển khai tổ chức lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên trên nhiều tuyến phố.

Có thể khẳng định, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nếu không có những điều chỉnh cụ thể, hiệu quả của đề án sẽ khó đạt được như mong muốn.

Làn đường dành cho người đi bộ, người khuyết tật bị chiếm dụng làm nơi trông giữ

phương tiện (ảnh chụp trên phố Bà Triệu).

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết người dân sống dọc các tuyến phố được tổ chức lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên đều rất phấn khởi với chủ trương này của TP. Bà Trần Thị Hiền – Tổ trưởng tổ dân phố số 2, phường Nguyễn Du chia sẻ, từ khi TP lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, người dân trong khu vực rất phấn khởi. Bởi ngoài việc bảo đảm mỹ quan đô thị, hiệu quả sử dụng lâu dài, việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên còn giúp công tác đảm bảo vệ sinh trở nên đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều. Đây cũng là nhận định chung của nhiều người dân Thủ đô khi được hỏi về hiệu quả, tác động của việc thay thế đá lát vỉa hè đối với cuộc sống.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số tuyến đường, việc tổ chức lát lại đá vỉa hè bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là việc đảm bảo nhu cầu đi lại của người khuyết tật. Theo quy định của UBND TP Hà Nội, để đảm bảo trật tự đô thị, ngăn chặn các hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, tại những tuyến đường đủ điều kiện xắp xếp phương tiện, các hộ kinh doanh buộc phải đưa phương tiện về phía sát tường nhà. Và để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác tổ chức giao thông, lực lượng chức năng đã bố trí xây dựng phần đường dành riêng cho người khuyết tật (khu vực đá được tạo gờ - PV). Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các làn đường này đang không phát huy được hiệu quả do hầu hết các làn đường dành cho người khuyết tật đều nằm trong phạm vi sắp xếp phương tiện - tức là đều bị xe máy đè lên.

Điển hình như tuyến Nguyễn Trãi, đoạn từ ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi đến khu vực Ngã Tư Sở. Tại đây, làn đường dành cho người đi bộ được thiết kế rất “đa dạng”, nơi thì đặt phía trong gần với tường nhà, nơi ở giữa, nơi lại tiếp cận gần với mép đường. Theo ghi nhận của chúng tôi, việc bố trí làn đường dành cho người đi bộ trên tuyến phố này căn cứ vào thực trạng diện tích vỉa hè. Tại nhiều nơi, vỉa hè quá hẹp, không đủ cho việc sắp xếp, bố trí làn đường dành cho người đi vào sát nhà dân là điều bắt buộc. Tuy nhiên, việc làm này đã khiến làn đường dành cho người khuyết tật không phát huy được hiệu quả.

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, sự thiếu đồng bộ, bất cập đã dẫn đến hiệu quả thấp. Đơn cử trên phố Bà Triệu, đặc biệt là đoạn qua cổng chùa Vân Hồ. Tại đây, gần như toàn bộ khu vực dành cho người đi bộ nói chung, người khuyết tật nói riêng đã bị chiếm dụng làm nơi trông giữ phương tiện. Để di chuyển được qua khu vực này, mọi người buộc phải băng xuống lòng đường.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một số phường cho rằng, để đảm bảo sự đồng bộ, nhu cầu đi lại của người dân sau khi hoàn thiện lát vỉa hè, các cơ quan chức năng cần xem xét lại việc sắp xếp phương tiện trên các tuyến phố đủ điều kiện. Cùng với đó, cũng cần xem xét thu hồi giấy phép của các điểm trông giữ phương tiện trên vỉa hè để đảm bảo chất lượng của dự án, tính hiệu quả của dự án.