Chiều 8/5, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn dẫn đầu Đoàn kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình 03-CTR/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020" tại Sở Du lịch Hà Nội.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, sau gần 3 năm triển khai thực hiện chương trình 03-CTR/TU, bằng nhiều hình thức phong phú, đặc biệt là tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thủ đô qua kênh CNN quốc tế, ngành Du lịch Hà Nội đã phát triển theo đúng định hướng, đảm bảo bền vững và có hiệu quả với tốc độ tăng trưởng khá. Nhiều cơ chế, chính sách, đề án phát triển du lịch được ban hành và dần đi vào đời sống. Trong đó, thị trường du lịch được mở rộng, lượng khách không ngừng tăng, nhất là về số lượng khách du lịch quốc tế, đóng góp hiệu quả vào kinh tế của TP.
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2018, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội lên tới 22,5%/năm.
Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Hà Nội đạt 9,67 triệu lượt người, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế đạt 2,45 triệu lượt khách, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Doanh thu từ khách du lịch đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thu từ khách du lịch đạt 34.891 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ tiêu về tổng thu từ khách du lịch tăng từ 61.778 tỷ đồng năm 2016 lên 77.480 tỷ đồng năm 2018, đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP TP ngày càng tích cực. Mức tăng trưởng bình quân đạt 12,1%/năm.
Hình ảnh Thủ đô Hà Nội là một điểm đến an toàn, thân thiện,hấp dẫn ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và lĩnh vực Du lịch được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biêu của Thủ đô năm 2017 và 2018.
Tuy nhiên, du lịch của Hà Nội hiện nay phát triển chưa xứng với tiềm năng, lợi thế, hiệu quả từ phát triển du lịch (cả về mặt chính trị, kinh tế và xã hội) còn thấp; đóng góp vào GDP của TP còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Đặc biệt, nguồn nhân lực cho phát triển du lịch của Hà Nội còn rất hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng; tỷ trọng chỉ tiêu đối với các loại hình sản phẩm du lịch còn thấp…
Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình 03-CTR/TU, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đề nghị Sở Du lịch Hà Nội phải đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ nhân viên một cách thực chất hơn, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ làm công tác du lịch phải nâng cao chất lượng hơn, trách nhiệm hơn.
Lưu ý về thực hiện chương trình 08 của Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị Sở Du lịch phải tập trung triển khai thực hiện thật tốt chương trình này gắn với tổ chức thực hiện Nghị quyết 06 về du lịch có chiều sâu, hiệu quả. Mục tiêu là phải nâng cao hiệu quả đầu tư, năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Thủ đô. Đặc biệt, phải kết nối các sản phẩm du lịch sẵn có của TP để hình thành các tour, tuyến du lịch truyền thống, tâm linh, ẩm thực, văn hóa, di tích lịch sử… nhằm khai thác hiệu quả hơn thế mạnh của mình. Đồng thời, Sở phải tăng cường và làm tốt hơn công tác quảng bá du lịch; phải tổng kết, đánh giá các mô hình làm du lịch điển hình, hiệu quả. Kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập, còn thiếu, hoặc còn tồn tại vi phạm để xử lý nghiêm và tham mưu, đề xuất cho thành phố có giải pháp khắc phục.
“Mục tiêu là phải nâng cao hiệu quả đầu tư, năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Thủ đô. Đặc biệt, phải kết nối các sản phẩm du lịch sẵn có của TP để hình thành các tour, tuyến du lịch truyền thống, tâm linh, ẩm thực, văn hóa, di tích lịch sử… nhằm khai thác hiệu quả hơn thế mạnh của mình. Đồng thời, Sở phải tăng cường và làm tốt hơn công tác quảng bá du lịch; tổng kết, đánh giá các mô hình làm du lịch điển hình, hiệu quả…”, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Trưởng đoàn công tác cũng lưu ý, Sở cần kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập, còn thiếu, hoặc còn tồn tại vi phạm để xử lý nghiêm và tham mưu, đề xuất cho TP có giải pháp khắc phục.