Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp cùng các huyện, thị xã triển khai nhiều chương trình tập huấn kỹ thuật và xây dựng các mô hình trình diễn nuôi trồng thủy sản (NTTS) bằng phương pháp mới, theo hướng an toàn sinh học.

Nhờ đó, hiệu quả kinh tế từ NTTS của người nông dân đang dần được cải thiện.

Thu nhập cao

Với diện tích khu đầm lên tới 12 mẫu, anh Bùi Đình Vượng, khu Đồng Mây, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ được coi là một trong những "đại gia" NTTS tại địa phương. Gia đình anh chủ yếu nuôi cá rô phi và cá chép, ngoài ra, xen canh với một số loại cá khác. Anh Vượng phấn khởi cho biết, nhờ được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ thuốc diệt khuẩn ao nuôi và tập huấn kỹ thuật nuôi ghép các loại cá nên năng suất cá đạt cao hơn. Mỗi năm, anh Vượng thu hoạch 2 lứa cá, tổng sản lượng đạt khoảng 30 tấn, cho doanh thu trên 700 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, anh Vượng thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.

Nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường - Ảnh 1

Nuôi trồng thủy sản theo hướng sinh học đang là hướng đi cho thu nhập cao tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Trần Anh

Tương tự, với hộ ông Dương Nguyễn Hữu, khu Ao Ươm, xã Đại Yên, thu nhập chính của gia đình cũng từ NTTS. Với diện tích ao nuôi 14.000m2, ông Hữu thả ghép các loại cá trôi, trắm, chép, mè, rô phi. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu được 5 - 7 tấn cá, thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Trong đó, năm 2012, gia đình ông Hữu thu được 7 tấn cá, với giá bán trung bình 28.000 đồng/kg, ông thu về trên 150 triệu đồng. "NTTS là hướng đi cho thu nhập cao hơn cấy lúa, lại ít tốn công chăm sóc và tận dụng được cỏ và phân làm thức ăn" - ông Hữu chia sẻ.

Theo HTX Nông nghiệp Đại Yên, toàn xã có 30ha diện tích chuyển đổi từ vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại kết hợp với NTTS. Năng suất cá đạt trên 2 tạ/sào/năm, thu nhập bình quân 170 - 200 triệu đồng/ha, cao gấp 5 - 7 lần so với cấy lúa. Đặc biệt, hàng năm, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đều có chương trình tập huấn kỹ thuật nuôi và đưa các đối tượng cá nuôi mới về cho các hộ dân. Nhờ đó hiệu quả sản xuất được nâng lên rõ rệt.

Đảm bảo tính bền vững

Ngoài xã Đại Yên, trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi phương pháp NTTS tại các địa phương khác như xã Nghĩa Hương (Quốc Oai), Đại Đồng (Thạch Thất), Đông Mỹ (Thanh Trì), Đồng Tâm (Mỹ Đức)... Năm 2012, Trung tâm triển khai mô hình cá - lúa kết hợp với quy mô 60ha tại 3 huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên. Trong đó, đàn cá được ghép theo tỷ lệ cá rô phi chiếm 70%, cá chép 15%, cá trắm cỏ 5% và cá mè 5%, còn lại là cá khác. Kết quả, năng suất cá đạt 4 tấn/ha, cao hơn so với cách làm truyền thống của người dân từ 1,5 - 2 lần.

Theo ông Kiều Minh Khuê - cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, điểm nổi bật trong NTTS theo phương pháp mới là các hộ dân chuyển sang dùng chế phẩm sinh học EMC để xử lý môi trường nước, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, cá ít bị bệnh. Người dân cũng được tập huấn kỹ thuật phòng bệnh cho cá bằng một số cây thảo mộc có sẵn tại địa phương như xoan, chuối, nhọ nồi, ổi... Hơn nữa, với mô hình cá - lúa, tỷ lệ sâu bệnh giảm đáng kể nên bà con nông dân giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Như vậy, việc chuyển đổi hình thức NTTS không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giúp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình NTTS theo hướng an toàn sinh học, người nông dân vẫn cần được hỗ trợ nguồn vốn. Ông Đặng Đình Khải - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đại Yên, huyện Chương Mỹ chia sẻ, với những hộ chăn nuôi lớn cần nhu cầu vốn đầu tư giống, thức ăn lên tới hàng trăm triệu đồng/năm. Trong khi đó việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trong khâu thủ tục và số tiền vay được ít. Ngoài ra, cần hỗ trợ người NTTS các chế phẩm sinh học, thuốc phòng, chữa bệnh cho cá đảm bảo an toàn dịch bệnh.