Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao hiệu quả quản lý công tác thi đua, khen thưởng

An Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp lần thứ 71 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2018, dưới sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Những thành quả trên có sự đóng góp quan trọng, tích cực của công tác thi đua, khen thưởng trên cả nước.

Ảnh minh họa

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Nổi bật là hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Lễ Kỷ niệm quốc gia biểu dương, tôn vinh 700 đại biểu là “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” qua các thời kỳ, các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc sau hơn 30 năm đổi mới; các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động tiếp tục được triển khai hiệu quả và đi vào chiều sâu, trở thành nòng cốt, định hướng cho các phong trào thi đua trong cả nước...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng năm 2018 còn có những hạn chế: Việc lãnh đạo chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng ở một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự được quan tâm sâu sát. Có nơi, phong trào thi đua còn chưa bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số nơi còn hạn chế; việc khen thưởng cho người lao động trực tiếp tuy có cải thiện nhưng chưa thực sự tạo được hiệu ứng sâu rộng.

Năm 2019, để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, công tác thi đua, khen thưởng cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người.

Tổ chức phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trọng tâm là xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách.

Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ tập trung xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi đua, khen thưởng, bảo đảm chất lượng, lưu ý xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra, khắc phục những tồn tại, bất cập; xây dựng Dự thảo Nghị định quy định việc quản lý xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời có giải pháp để bảo đảm hoạt động tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng được thực hiện chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Cơ quan Thường trực của Hội đồng (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) tập trung xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, trong đó xây dựng tiêu chí cụ thể, lưu ý đạo đức công vụ và kỷ luật hành chính, đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải triển khai cụ thể, bài bản, kịp thời.

Tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Các bộ, ban, ngành, địa phương khi trình khen thưởng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đối tượng, hình thức, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng; bảo đảm kịp thời, chính xác, khách quan.