Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo Kế hoạch tài chính quốc gia vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, ngân sách dự kiến vay khoảng 3,068 triệu tỷ đồng. Với tổng mức vay như trên để đảm bảo an toàn nợ công phải thường xuyên đánh giá các tác động của vay vốn, có giải pháp kiểm soát quản lý nợ công.

Tăng thu, tiêu tiết kiệm để giảm bội chi

Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ phấn đấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 8,3 triệu tỷ đồng. Tổng chi ngân sách 5 năm khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi NSNN. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.

 

Nợ công nguồn tài chính quan trọng cho đầu tư phát triển

Bội chi ngân sách 5 năm tới bình quân 3,7% GDP. Để cân đối thu chi ngân sách, có nguồn cho đầu tư, Quốc hội quyết nghị, mức vay nợ trong 5 năm tới khoảng 3,068 triệu tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Cùng với đó, mức trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP (ngưỡng cảnh báo 55% GDP); nợ Chính phủ không quá 50% GDP (cảnh báo là 45% GDP).

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, do đó, tăng nợ công là một biện pháp cần thiết để phục hồi kinh tế miễn là trong khả năng trả nợ. 

Giai đoạn 2016-2020, nợ công đã có xu hướng giảm. Dư nợ công từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 55,0% GDP cuối năm 2019. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN duy trì trong giới hạn được Quốc hội cho phép, bình quân giai đoạn 2015-2020 là khoảng 18,6% (so với mức trần không quá 25%). Tuy nợ công của Việt Nam vẫn trong mức an toàn, nhưng trên thực tế, cũng có những rủi ro đã nhìn thấy.

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới cân đối ngân sách. Nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2021 được triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội.

Để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và quan điểm điều hành của Bộ Tài chính là sẽ tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính. 

Bộ Tài chính đang khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách thu để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, tăng thu hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững; khai thác dư địa thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, mở rộng cơ sở thuế. 

Với chi, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội, môi trường, quốc phòng, giáo dục, khoa học công nghệ... Vay bù đắp bội chi chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển; tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. 

Cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

Thời gian qua, công tác quản lý nợ công cũng phải đối diện với không ít khó khăn, hạn chế. Cơ cấu nợ đã có sự thay đổi, tuy nhiên đặc điểm danh mục nợ Chính phủ vẫn tiềm ẩn rủi ro; điều kiện vay vốn ODA, ưu đãi nước ngoài kém thuận lợi hơn trước đây. Việc giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ còn chậm. Không sớm triển khai dự án, đưa vào hoạt động không chỉ khiến lãng phí nguồn lực, tăng chi phí đi vay, mà còn làm mất cơ hội phát triển.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 xác định mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế. 

Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Để khắc phục tồn tại, dự kiến bố trí vốn của Chính phủ đã tập trung hơn, tổng số dự án chỉ còn dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó cơ bản đã bố trí theo đúng thứ tự ưu tiên. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc định hướng tập trung vào các dự án trọng điểm sẽ khắc phục những hạn chế theo kiểu đầu tư manh mún, nhỏ lẻ như những giai đoạn trước đây; một điểm mới nữa đó là lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư toàn xã hội, dùng vốn NSNN để thu hút vốn đầu tư bên ngoài và toàn xã hội.

Chính phủ phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã được thông qua, nhưng còn cả một khối công việc nặng nề phía trước phải hoàn thành. Theo các chuyên gia, trong đầu tư công, cần tách công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư thành những dự án riêng mới đẩy nhanh được tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư. Phân cấp, phân quyền mạnh để các địa phương có sự chủ động linh hoạt, sáng tạo trong điều chỉnh nguồn vốn đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả việc sử dụng các nguồn vốn từ NSNN. Mạnh dạn cải cách thể chế theo hướng tạo sự thuận lợi, thông thoáng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư.

Đại dịch khiến Chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn để khắc phục hậu quả tiêu cực và hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, con số nợ công sẽ tăng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nợ công như một đòn bẩy, nếu vận dụng tốt thì sẽ có lợi cho việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Nợ công cao không sao nếu có danh mục nợ tối ưu, chi phí nợ hợp lý và nợ được sử dụng hiệu quả, nghĩa vụ trả nợ đảm bảo. (GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Quỹ Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam)