Chưa có sự linh hoạtNhiều năm trở lại đây, nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực, sâu rộng, mang hiệu ứng cao, xây dựng Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp”, TP Hà Nội lựa chọn một số chủ đề để ưu tiên thực hiện, trong đó có “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng và hệ thống chính trị từ phường, xã đến TP, những mục tiêu đặt ra đã đạt kết quả khả quan, ngày một rõ nét khi nhiều tuyến phố, địa bàn đã phong quang, trật tự. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại về những chuyển biến đó chưa thật sự bền vững, bởi tại không ít nơi, chỉ cần các lực lượng chức năng rút đi, vi phạm tiếp tục tái diễn.
|
Lực lượng chức năng phường Phạm Đình Hổ xóa quảng cáo rao vặt. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, xảy ra tình trạng trên có phần trách nhiệm không nhỏ của chính quyền sở tại trong việc đưa ra các biện pháp, giải pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm một cách có hiệu quả. Đơn cử, tại khu vực cổng chùa Phúc Khánh (phường Ngã Tư Sở), hàng loạt điểm trông giữ phương tiện tự phát, thu giá cao vào những ngày Rằm, Mùng 1 vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp việc đã nhiều lần bị kiểm tra, xử lý. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để khắc phục tình trạng này, chính quyền phường Ngã Tư Sở đã nhiều lần kiến nghị các lực lượng chức năng cho phép tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu Ngã Tư Sở vào ngày Rằm, Mùng 1 hàng tháng nhưng bất thành.
Tương tự, tại phố Xã Đàn, một trong những tuyến phố khá rộng, hoàn toàn có thể bố trí dừng đỗ xe ngoài giờ cao điểm. Nhưng trên tuyến phố này đã được cắm biển cấm dừng đỗ phương tiện khiến việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn do nhu cầu của người dân trong khu vực quá lớn.
Bắt đầu từ chính người bị ảnh hưởngMột số chuyên gia trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị cho rằng, sở dĩ công tác quản lý trật tự đô thị luôn rơi vào cảnh “đá ném ao bèo” là do bất cập của hạ tầng và ý thức của người dân. Thứ nhất, trong khi tốc độ phát triển phương tiện ngày càng cao thì hạ tầng giao thông tĩnh, các điểm đỗ xe lại quá ít so với nhu cầu nên tình trạng dừng đỗ sai quy định, dưới biển cấm là điều đã được dự báo trước. Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn TP còn tồn tại rất nhiều khu đô thị, khu tập thể cũ… dù đông dân nhưng lại không được quy hoạch chợ dân sinh hay siêu thị, trung tâm thương mại… để phục vụ nhu cầu của người dân. Từ đó, các khu chợ “tạm”, chợ “cóc”, những gánh hàng rong, sạp hàng vẫn len lỏi đến tận các ngõ ngách, gầm cầu thang tại các khu đô thị cũ, khu tập thể. Thứ hai, ý thức tự giác nâng cao nếp sống văn minh đô thị của một bộ phận người dân chưa cao.
Để công tác quản lý trật tự đô thị đem lại hiệu quả lâu dài, lãnh đạo một số phường của quận Thanh Xuân cho rằng, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm, điều quan trọng nhất là các cơ quan, lực lượng chức năng phải có giải pháp hài hòa giữa lợi ích kinh tế của các hộ dân mặt tiền và biện pháp quản lý Nhà nước. Chẳng hạn, khi dẹp chợ “cóc”, chợ tạm nên bố trí một nơi buôn bán cho phù hợp để không làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Hay khi xóa bỏ bãi xe không phép, sai phép nên xem xét bố trí lại điểm đỗ cho người dân…
Ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch UBND phường Phương Liên, quận Đống Đa chia sẻ, ở cấp cơ sở rất đau đầu trong vấn đề quản lý, duy trì trật tự đô thị, bởi nó liên quan đến cuộc sống của người dân. Ông Lộc cho biết, khi tiến hành sắp xếp lại phương tiện trên phố Xã Đàn, các lực lượng chức năng của phường đến từng hộ gia đình mặt phố để phổ biến các quy định, đồng thời yêu cầu các hộ ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình đảm bảo trật tự đô thị trên tuyến đường, UBND phường nhận được nhiều ý kiến của người dân đề nghị phường tham mưu các lực lượng chức năng xem xét tổ chức điểm dừng đỗ tại một số khu vực đủ điều kiện để đảm bảo nhu cầu của người dân. "Tiếp thu kiến nghị, UBND phường đã báo cáo UBND quận xem xét giải quyết nguyện vọng của người dân" - ông Lộc cho hay.