Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trên Biển tại Vịnh Thái Lan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị, Cảnh sát biển Việt Nam đã có những đề xuất phương án hợp tác thiết thực được đánh giá cao.

Từ ngày 14-16/1, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị Tư lệnh lực lượng thực thi pháp luật trên biển các quốc gia vùng Vịnh Thái Lan lần thứ ba, với sự tham dự của đại biểu thuộc lực lượng Cảnh sát biển, thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia thuộc vùng Vịnh Thái Lan là Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Hội nghị do Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với Chương trình Kiểm toán xuất khẩu và An ninh biên giới, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức. Đoàn Cảnh sát biển Việt Nam do Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam làm Trưởng đoàn tham dự và chủ trì hội nghị.

Tham dự phiên khai mạc có bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 
Bản đồ Vịnh Thái Lan. (Nguồn: Wikipedia)
Bản đồ Vịnh Thái Lan. (Nguồn: Wikipedia)
Nội dung hội nghị tập trung đánh giá kết quả hợp tác, tình hình an ninh, trật tự vùng Vịnh Thái Lan, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả trong việc thi hành pháp luật trên biển; đồng thời tạo sự tin cậy, hiểu biết và đồng thuận giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia Vùng Vịnh Thái Lan trong xử lý thách thức vấn đề an ninh biển đối với các quốc gia trong Vịnh.

Tại Hội nghị, Cảnh sát biển Việt Nam đã có những đề xuất phương án hợp tác thiết thực được đánh giá cao.

Theo đó, về xây dựng cơ chế hợp tác, cần có thỏa thuận chung của các lực lượng các quốc gia trong Vịnh làm cơ sở pháp lý để hợp tác và phối hợp giải quyết những vấn đề chung ở Vịnh. Đồng thời khuyến khích các cơ chế hợp tác song phương và hợp tác giải quyết những vấn đề chung ở những vùng biển giáp ranh, vùng biển chung.

Về nội dung hợp tác, cần toàn diện, có trách nhiệm trên tinh thần hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể như trao đổi thông báo tình hình, nâng cao năng lực lãnh đạo, trao đổi kinh nghiệm, hội thảo, phối hợp giải quyết vụ việc liên quan.

Cần tính đến khả năng tổ chức diễn tập thực thi pháp luật, tìm kiếm cứu nạn, hoặc đối phó thảm họa giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực Vịnh Thái Lan.

Ngoài ra cần quan tâm các vấn đề khác như xây dựng cơ chế dẫn độ người vi phạm, tội phạm (bàn giao người và phương tiện vi phạm cho lực lượng thực thi pháp luật bên kia); cơ chế cho phép truy đuổi tàu thuyền vi phạm khi vào lãnh hải nước khác dựa trên cơ chế xin phép hoặc thông báo theo thỏa thuận giữa các nước trong khu vực.

Về tổ chức, ngoài bốn quốc gia có vùng biển ở Vịnh, Việt Nam đề nghị có thêm các quan sát viên như Indonesia, Singapore, Philippines...

Theo đánh giá của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, trên Vịnh Thái Lan vẫn diễn ra nhiều hoạt động tội phạm có tính chất quốc tế như buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới; xuất nhập cảnh trái phép; xâm phạm vùng biển đánh bắt hải sản trái phép; buôn bán, vận chuyển ma túy; cướp có vũ trang...

Việt Nam đã có ranh giới biển tương đối rõ ràng với các nước thông qua ký kết các điều ước và thỏa thuận khác nhau. Từ đó việc quản lý phần biển thuộc Việt Nam cũng tương đối dễ dàng. Các hoạt động quốc tế hiện tại nhằm đấu tranh, ngăn chặn các nhóm vi phạm trên tương đối tốt; tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Để khắc phục tình trạng đó, Việt Nam đề xuất cần tăng cường thực hiện các thỏa thuận, điều ước quốc tế hiện có thông qua các hình thức tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng, tích cực tổ chức hội nghị, hội thảo, huấn luyện; viện trợ trang bị, hỗ trợ đào tạo, huấn luyện; tổ chức diễn tập chung.

Đối với Việt Nam, cần tăng cường, tích cực phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực nhằm hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ quản lý về an ninh, trật tự, an toàn trên vùng biển...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần