70 năm giải phóng Thủ đô

Tính lãi chậm nộp phạt vi phạm hành chính

Nâng cao hiệu quả xử lý

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 5/5, mỗi ngày chậm nộp phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt được nhiều người dân ủng hộ.

Người vi phạm giao thông cần nộp phạt đúng thời hạn để tránh bị tính nộp chậm từ ngày 5/5/2023. Ảnh: Hải Linh
Người vi phạm giao thông cần nộp phạt đúng thời hạn để tránh bị tính nộp chậm từ ngày 5/5/2023. Ảnh: Hải Linh

Để việc truy thu tiền phạt đạt hiệu quả cao, tránh gây bức xúc, lực lượng chức năng cần thực hiện linh hoạt, song phải kiên quyết xử lý mạnh tay với những trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối.

Quá 10 ngày, người vi phạm phải nộp thêm 0,05%

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 18/2023 quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính (Thông tư 18). Trong đó có nhiều điểm mới mà người vi phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông đường bộ cần lưu ý. Thông tư số 18/2023 có hiệu lực từ ngày 5/5/2023.

Như vậy, quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

 

Để việc thu tiền phạt vi phạm đạt hiệu quả cao cũng cần rốt ráo truy thu tiền phạt, tránh tình trạng các tài xế vi phạm có tư tưởng ỷ lại, nhởn nhơ, thậm chí vô tư tái phạm lỗi nhiều lần. Thông báo sớm, truy thu tiền phạt ngay cũng góp phần nâng cao hiệu quả của việc xử lý vi phạm hành chính.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương

Số ngày chậm nộp bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp phạt đến trước ngày nộp vào ngân sách Nhà nước. Việc thu tiền phạt căn cứ vào quyết định xử phạt của người có thẩm quyền.

Khi nộp trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, người nộp phải xuất trình quyết định xử phạt. Nếu chuyển khoản, người nộp ghi rõ nội dung nộp phạt, số quyết định.

Người thu tiền phạt trực tiếp phải lập bảng kê theo mẫu và nộp toàn bộ vào Kho bạc Nhà nước theo quy định. Người bị xử phạt phải xuất trình hoặc gửi chứng từ thu, nộp để nhận lại giấy tờ tạm giữ.

Ngoài ra, Thông tư số 18/2023 cũng quy định không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt.

Với các trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thông báo cho Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt về thời điểm được coi là giao quyết định xử phạt để Kho bạc Nhà nước tính tiền chậm nộp phạt.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền chậm nộp phạt, thì cơ quan có thẩm quyền thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền chậm nộp phạt và ghi rõ trên chứng từ thu, nộp tiền phạt…

Thực hiện biện pháp mạnh là cần thiết

Trong xử phạt vi phạm hành chính, việc vi phạm hành chính giao thông có tỷ lệ khá lớn. Chẳng hạn như xử lý vi phạm nồng độ cồn, năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc xử lý hơn 308.000 trường hợp vi phạm.

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, chỉ riêng ngày 2/5/2023, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý 9.703 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; phạt tiền hơn 20,87 tỷ đồng; tạm giữ 168 ô tô, 4.426 mô tô, 18 phương tiện khác; tước 2.166 bằng lái xe các loại.

Tuy nhiên, nhiều chủ xe cố tình chây ỳ việc nộp phạt tiền vi phạm hành chính giao thông khiến việc xử lý vi phạm khó đạt hiệu quả cao. Anh Hoàng Văn Hiếu trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng, việc thu thêm tiền chậm nộp phạt hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện tại, sẽ nâng cao được hiệu quả trong công tác xử phạt hành chính nhất là trong lĩnh vực giao thông.

“Cũng cần xem xét, linh hoạt thời gian nộp phạt cho những trường hợp đặc biệt như chưa đủ khả năng nộp phạt, cho nộp phạt thành nhiều đợt. Hay quyết định xử phạt phải được đến tay người dân nhanh chóng, kịp thời nhất là phạt nguội” – anh Hoàng Văn Hiếu chia sẻ.

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, Thạc sĩ xã hội học Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, thời gian qua công tác quản lý, điều hành giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số lượng người vi phạm chấp hành nộp phạt theo đúng quy định của pháp luật còn thấp.

Nhiều trường hợp chây ỳ, thậm chí bỏ lại phương tiện, giấy tờ, không chấp hành nộp phạt. “Việc áp dụng biện pháp tính lãi trên số tiền phạt nếu tài xế cố tình chậm nộp phạt là biện pháp mạnh tay cho việc chây ỳ nộp phạt. Nhiều nước tiên tiến đều áp dụng hình thức, xe bị phạt nguội mà để quá hạn sẽ phải đóng thêm tiền lãi lũy tiến trên số tiền phạt. Số tiền cứ thế tích lũy lên cho đến ngày đăng kiểm xe hàng năm hoặc khi chủ xe bị bắt lỗi trực tiếp. Đến khi đó, nếu không chịu hoàn lại toàn bộ số tiền phạt cả gốc lẫn lãi, tài xế đó sẽ không thể thực hiện việc đăng kiểm. Việc ở Việt Nam cũng áp dụng quy định này, tôi tin nhiều người sẽ không còn chây ỳ nộp phạt như hiện nay” - Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương chia sẻ.

 

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hải -Trưởng văn phòng luật sư Hải Thanh cho biết, Điều 90 Nghị định 100 quy định, khi quá thời gian hạn giải quyết mà chủ ôtô vi phạm chưa đến, đơn vị xử lý gửi thông báo qua cơ quan đăng kiểm đưa vào diện cảnh báo liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định. Ôtô vi phạm sau đó khi đăng kiểm vẫn được thực hiện, nhưng giấy chứng nhận chỉ hiệu lực trong 15 ngày và chủ xe sẽ nhận thông báo việc có vi phạm. Trong 15 ngày sau, nếu chủ xe đến đóng phạt sẽ được xóa cảnh báo vi phạm, ngược lại khi không đóng sẽ không được đăng kiểm lúc hết hiệu lực.
Luật sư Phạm Thanh Hải