Nâng cao kỹ năng liên kết hộ, nhóm sản xuất trong nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/12, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT) tổ chức khai giảng lớp tập huấn kỹ năng thành lập tổ nhóm hộ liên kết sản xuất cho gần 50 nông dân trên địa bàn thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ.

Nâng cao kỹ năng liên kết hộ, nhóm sản xuất trong nông nghiệp - Ảnh 1
Ông Đỗ Hoàng Thạch - Trưởng phòng Thông tin tư vấn (Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội) cho biết, hiện nay trong sản xuất nông nghiệp có một vấn đề rất là tình trạng "được mùa mất giá". Trong sản xuất, người nông dân chưa liên kết với nhau tạo thành vùng nguyên liệu lớn nên doanh nghiệp chưa mặn mà vào thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Đáng nói là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền chặt nên khi sản phẩm nhiều thì doanh nghiệp ép giá, khi thiếu sản phẩm thì người nông dân có tình trạng đưa sản phẩm không đạt chất lượng, ATTP bán cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tiêu thụ trên thị trường, người tiêu dùng thấy sản phẩm không đạt chất lượng sẽ bị mất niềm tin.

Cũng theo ông Thạch, sản xuất rau an toàn hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong quy hoạch vùng nguyên liệu nên việc liên kết sản xuất lớn theo mô hình chuỗi có vai trò rất quan trọng. Bản thân người nông dân phải liên kết, quản lý từ khâu đầu vào để kéo doanh nghiệp vào bao tiêu sản phẩm. Bởi vậy, qua lớp tập huấn, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội mong muốn nâng cao kỹ năng cho các hộ nông dân, tạo thành hạt nhân để lan tỏa, phát triển mạnh vùng sản xuất rau an toàn.
Ông Hoàng Văn Toàn - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Chúc Sơn cũng chia sẻ, nông dân rất cần đầu ra cho sản phẩm nhưng nếu không có kỹ năng sản xuất thì không đảm bảo an toàn sản phẩm. Hơn nữa đối tượng sẽ hướng tới tiêu thụ rau an toàn là thị trường khó tính. Nếu sản phẩm an toàn, có thương hiệu sẽ nâng cao giá trị, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Tại lớp tập huấn, các học viên được Ths Đặng Đức Hạnh - giảng viên trường Cao đẳng Nông nghiệp Bắc Bộ giảng về những kỹ năng liên kết nhóm hộ nông dân thông qua các trò chơi, bài học thực tế. Lớp học kéo dài trong 2 ngày 9 - 10/12.