Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm công nghiệp: Vẫn thiếu giải pháp cụ thể

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thực hiện Chương trình Quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa (SPHH) của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đến năm 2020", Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án Nâng cao năng suất và chất lượng SPHH ngành công nghiệp (CN).

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để dự án thành công, cần nhanh chóng khắc phục không ít tồn tại đang diễn ra tại chính DN sản xuất…

Cái khó bó doanh nghiệp

Đại diện Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nhiều ngành CN, điển hình là các DN hóa chất đang sử dụng dây chuyền công nghệ, thiết bị lạc hậu, khiến tỷ lệ sử dụng nhân công cao, hiệu suất năng lượng thấp. Một số dự án dù đã được đầu tư mới hoàn toàn nhưng lại bị hạn chế về công suất, không tận dụng được ưu thế về quy mô sản xuất để giảm giá thành. Nhiều sản phẩm hóa chất được tiêu thụ theo phương thức đại lý và trả chậm, nên việc thiếu vốn càng thêm trầm trọng.

Với ngành dệt may, Viện trưởng Viện Dệt May Nguyễn Văn Thông cho biết, năng suất lao động tại DN Việt Nam chỉ bằng 1/4 Trung Quốc, 1/8 Hàn Quốc… tác động xấu đến giá thành và tính cạnh tranh của sản phẩm. Hiệu suất lao động của các DN dệt may bị giảm đến 30% so với tiêu chuẩn là do yếu kém trong trình độ quản lý và kỹ năng, thao tác vận hành của công nhân. Bên cạnh đó, nhận thức về năng suất, chất lượng của DN còn hạn chế, nên các phong trào vẫn thiếu giải pháp cụ thể...

Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm công nghiệp: Vẫn thiếu giải pháp cụ thể - Ảnh 1

May quần áo xuất khẩu tại Công ty May 10.

Mong sớm được hỗ trợ

Để nâng cao năng suất chất lượng cho ngành dệt may, ông Thông kiến nghị, cần sớm có chính sách cụ thể để xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật trong ngành, bởi đến nay, hệ thống này của ngành dệt may chưa được quan tâm đúng mức. Lãnh đạo Tập đoàn CN Than và Khoáng sản Việt Nam cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực chủ động của bản thân DN, rất cần những cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước về cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản, huy động vốn và thị trường hóa giá than. Với ngành hóa chất, các DN rất mong nhận được hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá, đào tạo chuyên gia, xây dựng mô hình điểm, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn, phương pháp đo lường năng suất chất lượng...

Các DN CN kiến nghị Nhà nước tăng cường phối hợp ngành trong việc tạo cơ hội giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của DN, nhất là với những nhiên liệu như điện, than, nước và các dịch vụ vận tải...; có chính sách khuyến khích DN áp dụng giải pháp công nghệ nhằm tái cơ cấu sản xuất, giảm chi phí…

Với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng, dự án Nâng cao năng suất chất lượng SPHH ngành CN nhằm tạo cho DN sự chuyển dịch cơ bản sang năng suất, chất lượng, đạt giá trị gia tăng, nội địa hóa và hàm lượng khoa học cao. Trong đó, phấn đấu giai đoạn 2012 - 2015 biên soạn được 500 tiêu chuẩn Việt Nam, 40% DN CN thực hiện các dự án năng suất chất lượng với 2.000 DN chủ lực ứng dụng tiến bộ khoa học, hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng… Từ nay đến năm 2020, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các dự án năng suất, chất lượng cho 8 nhóm ngành: Dệt may, da giày, nhựa, thép, hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng và điện tử viễn thông - CNTT.

Ông Phan Công Hợp Phó Vụ trưởng Vụ KH - CN Bộ Công Thương