Nâng cao thu nhập cho nông dân
Từ vài tháng nay, chị Nguyễn Thị Hà, thôn Vân Lôi, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất đã có công ăn việc làm ổn định tại Công ty may Bình Yên (gần nhà). Chị cho biết, sau gần hai tháng học việc với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, đến nay chị đã trở thành công nhân thạo nghề, mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Theo bà Hoàng Thị Sen, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Yên, với đặc thù là xã có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, nghề may đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm LĐ trẻ.
Chồng mất sớm, con bị di chứng của chất độc da cam, hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Mùi, thôn 3, xã Kim Quan rất khó khăn. Từ khi được học nghề mây tre đan, mỗi tháng, chị thu nhập thêm trên 1 triệu đồng trang trải cuộc sống. Ông Đỗ Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Kim Quan cho biết, toàn xã có hơn 7.500 nhân khẩu, trong đó, có khoảng 6.000 LĐ. Trước đây, xã có nghề làm gạch đá ong, gạch thủ công nhưng mấy năm trở lại đây do quy hoạch của thành phố những nghề này bị hạn chế phát triển. Bởi vậy, nhu cầu việc làm của người dân cao, nghề mây tre đan đã bước đầu giải quyết được nhu cầu trên. Bình quân ngày công LĐ đạt 50.000 - 60.000 đồng/ngày.
Theo Phòng LĐTBXH huyện Thạch Thất, sau hai năm triển khai Đề án 1956 về đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, nhiều người đã có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Năm 2011, toàn huyện đã mở được 24 lớp dạy nghề cho 825 LĐ và 6 tháng đầu năm 2012 đào tạo được 2.100 LĐ. Trong đó, tỷ lệ LĐ học nghề phi nông nghiệp có việc làm sau đào tạo cao như may công nghiệp, mây tre giang đan...
Đẩy mạnh liên kết
Trong quá trình dạy nghề cho LĐ nông thôn, các địa phương đã tích cực liên kết với doanh nghiệp. Tại xã Bình Yên, Công ty may Bình Yên là địa chỉ tổ chức các lớp dạy nghề và thu hút LĐ sau đào tạo. Ông Trần Mạnh Huy, Trưởng phòng Tổ chức Công ty may Bình Yên cho biết, xã tạo điều kiện tuyên truyền, thông báo để người dân đến học, còn công ty sẽ lo việc đào tạo. Hiện công ty đang tạo việc làm cho khoảng trên 700 LĐ thuộc các xã Bình Yên, Lại Thượng, Tân Xã, Hạ Bằng... với mức thu nhập bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng.
Tại xã Kim Quan, việc đào tạo nghề mây tre đan cũng được liên kết với cơ sở của chị Đỗ Thị Mùi trên địa bàn xã Thạch Xá để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Bà Nguyễn Thị Mít, cán bộ Chi hội Nông dân thôn 1, xã Kim Quan, đồng thời là giáo viên lớp dạy nghề cho biết, với sự liên kết này, người học nghề sẽ được cung cấp nguyên liệu, mẫu mã và được thu mua toàn bộ sản phẩm nên yên tâm theo nghề.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương, việc mở lớp dạy nghề cho LĐ nông thôn hiện nay còn gặp khó khăn do trong thời gian học một số nghề chưa có thu nhập hay có nghề thu nhập thấp nên chưa thu hút được học viên. Hơn nữa, kinh phí cho công tác đào tạo còn hạn hẹp. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Thạch Thất cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các trung tâm, trường về dạy nghề trực tiếp tại các xã theo nhu cầu học nghề và đơn hàng của các đơn vị. Hiện nay, mô hình liên kết dạy nghề giữa doanh nghiệp, đơn vị đào tạo và người LĐ cho kết quả khả quan, số LĐ qua đào tạo có việc làm đạt 70%.
Theo kết quả khảo sát, toàn huyện Thạch Thất có 11.554 người có nhu cầu học nghề với tổng số 217 nghề. Huyện đã xây dựng và ban hành Đề án dạy nghề cho LĐ nông thôn đến năm 2020, mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho 3.900 - 4.200 LĐ. Năm 2012, huyện đặt chỉ tiêu đào tạo nghề cho 4.100 LĐ, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt 80%. |