Nâng cao thương hiệu nông sản Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để từng bước đưa mặt hàng nông sản Thủ đô đứng vững trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho ND, Hội ND TP đã xây dựng chương trình "Nâng cao chất lượng xây dựng thương hiệu và giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho ND giai đoạn 2014 - 2018".

Đây được coi là giải pháp tối ưu để người ND tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Liên kết thiếu bền vững

Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ mới; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trên địa bàn TP đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản cho năng suất và giá trị thu nhập cao như: Vùng sản xuất rau an toàn; vùng trồng cam Canh, bưởi Diễn, hoa cây cảnh, vùng chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa tập trung tại các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Trì và Mê Linh... Nhờ đó, người ND đã làm quen và từng bước hình thành các hợp đồng hợp tác liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, số lượng nông sản hàng hóa tiêu thụ qua liên kết vẫn còn thấp. Các mô hình liên kết còn thiếu tính bền vững, tình trạng phá vỡ hợp đồng khá phổ biến.

 
Lãnh đạo Hội Nông dân TP thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất.    Ảnh: Ngọc Ánh
Lãnh đạo Hội Nông dân TP thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. Ảnh: Ngọc Ánh
Bà Lê Thị Toan - Chủ tịch Hội ND huyện Phúc Thọ cho biết, người ND luôn tự tin với sản phẩm mà mình làm ra nhưng chưa xây dựng được thương hiệu nên các DN và người tiêu dùng còn chưa biết đến. Thực tế tại huyện Phúc Thọ, mô hình nuôi lợn sạch (chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học) ở xã Trạch Mỹ Lộc cũng chưa nhân rộng được vì chưa xây dựng được cầu nối giữa DN - hộ chăn nuôi. Thêm nữa, người ND trên địa bàn huyện cũng mong muốn sản phẩm có thương hiệu để đầu ra ổn định hơn, yên tâm sản xuất.

Để giải quyết tình trạng trên, Hội ND TP đã phối hợp với các cơ quan chức năng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho ND, tham gia xây dựng mô hình chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Trong đó, có nhiều mô hình duy trì và hoạt động hiệu qủa như: Chăn nuôi lợn sạch theo hướng hữu cơ tại Ứng Hòa, Phúc Thọ; trồng rau theo quy trình IPM - GAP tại Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Thanh Oai; sản xuất quả an toàn tại quận Long Biên, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đan Phượng… Cùng với đó, Hội giới thiệu với các DN ký hợp đồng tiêu thụ nông sản trưng bày, giới thiệu sản phẩm cho ND. Tuy  nhiên, đến nay, toàn TP mới chỉ có 2 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể do Hội Nông dân làm chủ sở hữu, đó là Rau hữu cơ Sóc Sơn (do Hội ND huyện Sóc Sơn là chủ sở hữu nhãn hiệu), Bưởi tôm vàng Đan Phượng (do Hội ND xã Thượng Mỗ là chủ sở hữu nhãn hiệu). 

Nhiều giải pháp thiết thực 

Ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội ND TP cho biết, để đạt được mục tiêu phát triển nâng cao chất lượng thương hiệu nông sản Thủ đô song hành với xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trong thời gian tới, Hội ND TP sẽ đẩy mạnh các hoạt động để hỗ trợ đắc lực cho ND. Theo đó, Hội tiến hành tập huấn, đào tạo ngắn hạn về xây dựng, đăng ký, bảo vệ, phát triển thương hiệu nông sản và kỹ năng tiếp thị sản phẩm cho 100% cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tư vấn, hướng dẫn ND đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; khuyến khích các cấp Hội xây dựng mô hình tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn và trợ giúp tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp, trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông sản. Hội còn chủ động tổ chức các đoàn cho cán bộ, hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi đi nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác tại nước ngoài.

Nhiều giải pháp thiết thực của Hội ND TP đã bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để nông sản của ND có đầu ra ổn định, các cấp Hội cần đẩy mạnh tổ chức sự kiện, các hoạt động truyền thông về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Đồng thời, Hội ND các cấp nên chủ động phối hợp với các DN để tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại giúp các hội viên ND có cơ hội gặp gỡ DN, tìm kiếm đối tác và tiêu thụ sản phẩm…

 
"Hiện nay, toàn TP mới có 13 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ nhãn hiệu trên tổng số 100 đặc sản truyền thống. Trong khi đó, xu hướng chung của thị trường hiện nay ở trong nước và quốc tế đòi hỏi mọi sản phẩm hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ và nhãn hiệu sản phẩm phải được bảo hộ từ phía cơ quan Nhà nước. Do đó, để sản phẩm của người ND ổn định đầu ra, tăng giá trị trên thị trường, rất cần sự chung tay đoàn kết của các cán bộ, hội viên ND." -  Ông Trịnh Thế Khiết -Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần