70 năm giải phóng Thủ đô

Nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì chỉ bồi dưỡng trong 2 tuần như trước đây, thời gian đào tạo nghề Thừa phát lại (TPL) dự kiến 6 tháng và thời gian tập sự hành nghề là 6 tháng tại văn phòng TPL.

Đây là điểm mới so với quy định hiện hành vừa được công bố trong Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động TPL.
Đào tạo nghề 6 tháng mới được bổ nhiệm
Bà Đỗ Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), đại diện Tổ Biên tập cho biết, trên cơ sở rà soát tiêu chuẩn bổ nhiệm TPL theo quy định hiện hành, Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động TPL quy định theo hướng nâng cao tiêu chuẩn của TPL nhằm tăng cường chất lượng, xây dựng đội ngũ TPL có năng lực, kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật. Đồng thời, có đạo đức và kỹ năng hành nghề tương đồng với các nghề bổ trợ tư pháp khác.

Văn phòng Thừa phát lại quận Ba Đình lập vi bằng cho người dân.  Ảnh: Thái San

Theo đó, người mong muốn được bổ nhiệm TPL, ngoài các tiêu chuẩn có bằng cử nhân luật; đã công tác thực tế trong ngành pháp luật trên 5 năm hoặc đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên, điều tra viên từ trung cấp trở lên như quy định hiện hành thì phải có chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề, có thời gian tập sự hành nghề tại Văn phòng TPL. Thay vì chỉ bồi dưỡng trong 2 tuần như trước đây, thời gian đào tạo nghề TPL dự kiến 6 tháng và thời gian tập sự hành nghề là 6 tháng tại văn phòng TPL. Bên cạnh đó, TPL không được kiêm nhiệm nghề luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, quản tài viên và những công việc thường xuyên khác.
Đồng tình với việc giữ điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm TPL, ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) đánh giá, quy định tiêu chuẩn như Dự thảo đưa ra là cao. Về mặt quản lý Nhà nước, nên có cơ chế miễn, giảm cho người có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn như đang vận dụng cho nghề luật sư.
Có tiếp tục trao quyền thi hành án?
Một trong những vấn đề được quan tâm là có nên tiếp tục trao quyền tổ chức cưỡng chế thi hành án (THA) cho TPL. Theo bà Đỗ Hoàng Yến, hiện đang có hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Thời gian vừa qua, đội ngũ TPL tổ chức cưỡng chế THA rất hạn chế. Trong khi, hiện nay, nếu tổ chức cưỡng chế THA cần huy động lực lượng, văn phòng TPL phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng ban Chỉ đạo THA cấp huyện nơi đặt văn phòng. Từ đó, TPL lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) kèm theo hồ sơ THA để được phê duyệt kế hoạch và ra quyết định cưỡng chế.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn, quan điểm của Tổng cục vẫn giữ nguyên thẩm quyền này và các quy định hiện có. Đội ngũ TPL vẫn tiếp tục tham gia tổ chức cưỡng chế THA.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng băn khoăn, đối với việc tổ chức cưỡng chế THA, TPL phải huy động lực lượng rất khó khăn, gần như không thực hiện được. Có nhiều vụ việc kế hoạch cưỡng chế được phê duyệt nhưng phía công an không phối hợp, hợp tác khiến vụ việc THA phải kéo dài thời gian. Trong khi, TPL làm tất cả các khâu, lãnh đạo Cục THADS lại là người ra quyết định cưỡng chế, nếu không may phải bồi thường thì THA phải chịu trách nhiệm.
Xung quanh việc có nên tiếp tục trao quyền THA cho TPL hay không, lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị trình xin ý kiến Chính phủ.