Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn.
Phát huy hiệu quả và được Nhân dân đồng tình, ủng hộ
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau 10 năm triển khai thực hiện, Quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã phát huy hiệu quả và được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên. Đa số kiến nghị, đề xuất, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đã được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, xử lý từ cơ sở và hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp. Nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức đối với việc phát huy dân chủ, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân được nâng lên; nhận thức của người dân về quyền làm chủ cũng sâu sắc và toàn diện hơn.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp TP đã sáng tạo, linh hoạt trong công tác tham mưu, chỉ đạo, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm các nội dung góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP và những vấn đề mà đông đảo nhân dân quan tâm. Qua đó, phát hiện, điều chỉnh kịp thời các chủ trương, cơ chế, chính sách của TP đảm bảo phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội trước khi ban hành; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên, Nhân dân.
Cụ thể, về góp ý xây dựng đảng, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP và các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện góp ý bằng văn bản định kỳ mỗi năm một lần trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức đảng và trước khi kết thúc nhiệm kỳ của cấp ủy cùng cấp với tổng số 222.425 ý kiến; tham gia góp ý thường xuyên đối với tổ chức Đảng với 22.831 ý kiến và đối với đảng viên: 42.458 ý kiến; tham gia góp ý đột xuất với tổng số: 19.094 ý kiến.
Về công tác góp ý xây dựng chính quyền, hàng năm, góp ý bằng văn bản định kỳ mỗi năm một với tổng số 83.696 ý kiến. Thực hiện góp ý thường xuyên đối với chính quyền với tổng số 51.347 ý kiến và góp ý đột xuất với tổng số 21.676 ý kiến.
Ngoài ra, đối với chế độ tiếp xúc, đối thoại, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực HĐND TP đã tiếp nhận 3.572 ý kiến, kiến nghị của cử tri. UBND TP, các cơ quan đơn vị có thẩm quyền trả lời 3.238 nội dung. Trong đó, theo kết quả rà soát, giám sát đã giải quyết xong 2.962 ý kiến, kiến nghị (đạt tỷ lệ 91,5%); còn một số kiến nghị vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND TP đã tiếp nhận 796 kiến nghị của cử tri và đã chỉ đạo rà soát, phân loại, xử lý, chuyển 796 kiến nghị của cử tri chuyển đến UBND TP để giải quyết, trả lời cử tri bằng văn bản. Đến nay, đã giải quyết xong 533/797 kiến nghị (đạt 66,9%) và đang giải quyết 264 kiến nghị…
Không để phát sinh những điểm nóng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong điểm lại kết quả nổi bật trong 10 năm thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW với nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đời sống kinh tế - xã hội của TP ngày càng được nâng cao; số hộ nghèo theo chuẩn chung của cả nước giảm mạnh.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy biểu dương, ghi nhận những kết quả mà các đơn vị đạt được trong 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW. Một trong những bài học kinh nghiệm của TP trong 10 năm qua là phải phát huy dân chủ trong Đảng, xã hội và phải dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết vướng mắc của Nhân dân thông qua công tác tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền tại hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân.
Phó Bí thư Thành ủy cũng đi sâu phân tích 4 nhóm nguyên nhân quan trọng giúp thành phố đạt được những kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW. Trong đó, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội được nâng lên. Đồng thời, chất lượng cũng như nội dung các hội nghị xin ý kiến phản biện ngày càng thực chất hơn, hiệu quả hơn. Điều đó cho thấy vai trò, vị trí quan trọng của hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên toàn TP.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân. Việc nắm bắt tình hình dư luận thực tế tại các địa phương phải thực chất, tuyệt đối không chủ quan và “bệnh thành tích” để kịp thời giải quyết triệt để những bức xúc, tồn tại ngay từ cơ sở, không để phát sinh những điểm nóng tại các địa phương.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, để góp phần tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của N hân dân trong triển khai thực hiện mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương thì vai trò của hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hết sức quan trọng.
Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW. Trong đó, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về việc MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Đối với các đơn vị, địa phương của thành phố, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu phải rà soát lại các kiến nghị, góp ý của các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn, đặc biệt chú trọng kiểm tra sau thanh tra, kết luận xem địa phương thực hiện các kết luận ra sao.
Đối với các cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố”, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các quy định này.