Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 6: Kết nối phát triển đô thị vệ tinh Thủ đô

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện trạng tuyến đường Quốc lộ (QL) 6 trên địa bàn Hà Nội đến nay đang không còn đủ đáp ứng nhu cầu đi lại, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Bên cạnh đó, tuyến đường này còn giữ vai trò rất quan trọng trong kết nối với các khu đô thị vệ tinh, do đó, việc triển khai dự án nâng cấp, cải tạo mở rộng QL 6 trở nên cấp thiết.

Xe thô sơ, xe gắn máy và xe trọng tải lớn lưu thông cùng chiều trên đường QL6. Ảnh: Vũ Khoa
Vai trò quan trọng
Sau nhiều lần phải thay đổi chủ trương, nguồn vốn đầu tư, dự án cải tạo, mở rộng QL 6 hiện đang được UBND TP giao Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP lấy ý kiến các cơ quan liên quan để triển khai. QL 6 qua địa bàn

Hà Nội đoạn Ba La - Xuân Mai, là một trong những tuyến đường quan trọng tại cửa ngõ phía Tây TP, kết nối Hà Nội với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Ngoài ra, QL 6 còn có tính giao cắt với QL 21B, đường mòn Hồ Chí Minh, song song nhưng kết nối chặt chẽ với Đại lộ Thăng Long, tạo nên một vòng cung đi tránh khu vực trung tâm, phân giải áp lực giao thông cho nội đô Hà Nội.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ phát triển theo định hướng chùm đô thị, với các đô thị sinh thái và vệ tinh bao quanh đô thị trung tâm. QL 6 đoạn Ba La - Xuân Mai là tuyến đường tối ưu hóa khả năng kết nối giữa đô thị trung tâm với đô thị sinh thái Chúc Sơn và đô thị vệ tinh Xuân Mai…
Trong đó, Khu đô thị vệ tinh Xuân Mai, theo Quy hoạch chung được TP Hà Nội phê duyệt năm 2015, cách đô thị trung tâm Hà Nội gần 40km, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thị trấn Xuân Mai và 4 xã được xác lập là đô thị dịch vụ - công nghiệp, phát triển các trung tâm dịch vụ gắn với cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, phát triển dịch vụ thương mại đầu mối, kết nối Hà Nội với những tỉnh phía Tây Bắc. Hay Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, nằm trong địa giới hành chính của 10 xã thuộc huyện Thạch Thất, 6 xã thuộc huyện Quốc Oai và một phần xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Đô thị Hòa Lạc được phân thành 6 quy hoạch phân khu.

Hai khu đô thị Hòa Lạc và Xuân Mai có vai trò hỗ trợ về đào tạo đại học, giảm tải sinh viên ra khỏi đô thị trung tâm. Bên cạnh đó, đây cũng được xây dựng là đô thị sinh thái dựa trên cảnh quan thiên nhiên hiện có. Sự kết nối của tuyến QL 6 là vô cùng quan trọng đối với các khu đô thị vệ tinh này.

Giữa năm 2021, Sở GTVT Hà Nội đã có Tờ trình về việc thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án mở rộng QL 6, đoạn Ba La – Xuân Mai. Theo đó, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đề nghị thẩm định, nghiên cứu sử dụng nguồn vốn từ ngân sách T.Ư hỗ trợ và ngân sách TP Hà Nội để triển khai dự án, tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 8.100 tỷ đồng.

Cung đường gian nan

Vốn nằm trong danh mục 52 dự án công trình giao thông trọng điểm của TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay người dân Thủ đô vẫn đang từng ngày mong ngóng con đường sớm được triển khai, sử dụng. Mặc dù được đánh giá là một trong những dự án giao thông trọng điểm của TP nhưng tuyến đường dài 20,9km cho đến nay chỉ có hơn 2,5km ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ là hoàn thành việc chỉnh trang, nâng cấp.

Theo người dân sinh sống dọc tuyến đường này, quá trình đô thị hóa tại khu vực diễn ra rất nhanh nhưng tuyến QL 6 hiện nay không đáp ứng nhu cầu phát triển, phương tiện chỉ di chuyển từ 5 - 15km/h vào giờ cao điểm khiến quỹ thời gian hàng ngày của người dân bị tiêu tốn rất nhiều. Bên cạnh đó, lòng đường hiện trạng của đoạn tuyến mới chỉ đủ chỗ cho 2 làn ô tô ngược chiều, xe máy, xe đạp phải luồn lách tìm kẽ hở lưu thông, vỉa hè đoạn có, đoạn không. Cùng với đó, mặt đường đã xuống cấp nặng nề trên nhiều đoạn trong khi lưu lượng phương tiện gia tăng quá nhanh, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, đại diện Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, áp lực giao thông trên tuyến đường này diễn biến rất phức tạp. Đường nhỏ, hẹp và xuống cấp tạo ra bộ mặt giao thông xấu xí. Đặc biệt là đoạn đê Yên Nghĩa và cầu Mai Lĩnh, nếu có xe gặp sự cố là sẽ xảy ra ùn tắc. Ở những điểm nóng này, lực lượng chức năng thường xuyên phải cắt cử chiến sĩ chốt trực để điều tiết giao thông.

Mặt khác, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hiện đã được đưa vào hoạt động, phục vụ người dân Thủ đô nhằm giảm tải áp lực giao thông từ phương tiện cá nhân. Trong đó, đoạn Ba La – Yên Nghĩa trên đường QL 6 là điểm đầu tuyến nên yêu cầu về năng lực kết nối phương tiện công cộng là rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm khiến xe cộ phải lưu thông một bên đường cũng đang diễn ra nhức nhối, gây ra nhiều bất cập, bức xúc với người dân và cần sớm được giải quyết.
Theo Tờ trình của Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu tiền khả thi Dự án nâng cấp, cải tạo QL 6 có tổng chiều dài 21,5km, được đầu tư từ nguồn ngân sách T.Ư và ngân sách TP; thời gian thi công từ năm 2021 - 2024. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội được giao làm chủ đầu tư. Dự án sau khi cải tạo, nâng cấp sẽ có mặt cắt đoạn đi trong đô thị là 56 - 60m, tương đương 6 làn xe với vận tốc thiết kế 80km/h; đoạn đi ngoài đô thị rộng 50m, tương đương 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần