Nâng chất giáo viên dạy tiếng Anh
Giáo viên theo học là những người đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Đương nhiên, các giáo viên này đã từng học đại học, cao đẳng môn tiếng Anh.
Nói như vậy để thấy, số giáo viên nói trên là những người có trình độ tiếng Anh ở một mức khá cao, vì được học ở các trường chuyên nghiệp, đạt năng lực qua một chứng chỉ khá khó là khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc như đã nói.
Tuy nhiên, tại sao họ lại phải học thêm chương trình IELTS? Trước hết, chứng chỉ quốc tế này có độ uy tín cao, có nghĩa là năng lực đến đâu điểm số đến đấy (cao nhất là 9.0). Thứ nữa, chứng chỉ này đánh giá được khá toàn diện năng lực người học, gồm 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Trong các nhà trường trước đây, học sinh - sinh viên học ngoại ngữ chủ yếu học các kỹ năng đọc, viết, thiên về ngữ pháp; các kỹ năng nghe, nói không được chú trọng và không có trong thi học kỳ hay cuối năm. Những sinh viên học ngoại ngữ như vậy khi ra trường nếu đi dạy thì cũng chỉ chú trọng dạy ngữ pháp, cấu trúc bài giảng là học từ mới, học bài mới với đoạn văn ngắn, phân tích cấu trúc câu… Học sinh thi cũng không có phần nghe nói. Lâu dần chính những thầy cô này cũng… quên cách nghe, nói.
Cứ như vậy, nhiều thế hệ học ngoại ngữ, nhiều nhất là tiếng Anh, học có thể đọc hiểu nhưng không thể giao tiếp. Vì vậy, các trung tâm Anh ngữ ra đời là tiếp phần còn lại, giúp học sinh có đủ 4 kỹ năng như đã nói và họ… kiếm bộn tiền.
May mắn rằng, sinh viên ngành ngoại ngữ hiện nay đa số là từng theo học từ các trung tâm và khi ra trường học khá đồng đều về 4 kỹ năng cần thiết cho môn này. Do đó, nếu được đào tạo thêm theo chương trình IELTS, họ sẽ có đủ năng lực để giúp học trò học ngoại ngữ một cách đúng nghĩa.
Nếu được như vậy, cha mẹ học sinh bớt được khá nhiều tiền vì không phải cho con em mình đi học trung tâm ngoại ngữ. Một phụ huynh nói: “Con tôi hằng năm phải tốn gần 10 triệu đồng cho học tiếng Anh online ở một trung tâm tại TP Hồ Chí Minh. Nay nếu giáo viên ở trường phát âm chuẩn thì mừng quá”.
Việt Nam đang hướng tới từng bước đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Đây là bước đi đúng hướng thích hợp. Suy nghĩ là AI có thể làm phiên dịch thay người nên không cần học ngoại ngữ là lệch lạc. Bởi học ngoại ngữ là học thứ tiếng mới, văn hóa và tư duy khác biệt; có phương tiện để chủ động tìm kiếm và thu nhận kiến thức của đất nước khác, dân tộc khác.
Việc Hà Nội tập trung vào đội ngũ giáo viên tiếng Anh thông qua việc mở khóa đào tạo nâng chuẩn IETLS quốc tế là hướng đi đúng đắn, đáng mừng. Suy cho cùng, mọi sự cải cách về giáo dục phải được bắt đầu từ đội ngũ giảng dạy, chỉ khi đội ngũ này mạnh thì mọi sự mới có thể chuyển biến, nhất là về chất lượng, trong môn học tiếng Anh cũng vậy.

Khoảng 90.000 trẻ em mẫu giáo tham gia hoạt động làm quen với tiếng Anh
Kinhtedothi – 3 năm qua, chương trình làm quen với tiếng Anh (LQTA) dành cho trẻ em mẫu giáo trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được hiệu quả nhất định. Toàn thành phố hiện có 619 trường mầm non tổ chức cho trẻ LQTA, trong đó có 429 trường công lập.

Số điểm 10 môn tiếng Anh của Hà Nội chiếm hơn 1/4 cả nước
Kinhtedothi – Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Hà Nội có 915 điểm 10; trong đó riêng môn tiếng Anh có 148 điểm 10, chiếm hơn 1/4 số điểm 10 môn tiếng Anh của cả nước.

Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Kinhtedothi - Nâng cao chất lượng giáo dục; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục là 3 trong 12 nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GD&ĐT chỉ rõ trong triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025.