Đúng như quan điểm ấy, năm 2022, thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy, Hà Nội tiếp tục củng cố các cơ sở Đảng yếu kém và giải quyết dứt điểm những vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp, không để phát sinh thành điểm nóng.
Gắn trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu
Năm vừa qua, việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội” (Nghị quyết số 15) và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16/12/2016 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội” (Chỉ thị số 15) tiếp tục được các cấp, ngành tập trung thực hiện đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả. Đây cũng là một trong những giải pháp được nhấn mạnh trong Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị TP trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025".
Theo đó, Thành ủy đã chỉ đạo củng cố được 12 TCCSĐ, nâng số đơn vị được củng cố từ khi Nghị quyết 15 ra đời lên hơn 230. Các quận, huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy cũng xây dựng được 37 đề án nhằm củng cố 45 TCCSĐ. Tại các cấp ủy, nhiều giải pháp mới, nhất là gắn trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu và tập trung thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết các vụ khiếu nại tập trung đông người, phức tạp, tồn đọng đã được triển khai. Qua đó, hạn chế để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, nhất là không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự.
Tại quận Tây Hồ, Quận ủy đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ Đảng trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021 - 2025”. Tại quận Long Biên, tiếp tục phân công, gắn trách nhiệm cá nhân phụ trách địa bàn; yêu cầu 14/14 Đảng ủy phường nắm chắc những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phức tạp và có giải pháp tháo gỡ từ sớm, từ xa. Các cấp ủy cũng lập danh sách TCCSĐ cần củng cố để tập trung xây dựng đề án củng cố; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Đồng thời, tập trung ưu tiên bám sát địa bàn, kịp thời nắm bắt tình hình, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người dân để giải quyết những vấn đề phát sinh...
Tại quận Hoàng Mai, Bí thư Quận ủy Nguyễn Quang Hiếu cho biết, trên địa bàn quận có 10 vụ việc phức tạp cần quan tâm nhưng đến nay, đã cơ bản giải quyết xong. Có được kết quả này bởi quận luôn coi trọng việc thực hiện Nghị quyết số 15 và Chỉ thị số 15. Trong đó, Quận ủy đã phân công, gắn trách nhiệm giải quyết các vụ việc phức tạp cho các Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy phụ trách địa bàn; chủ động phối hợp các sở, ban, ngành để tháo gỡ vướng mắc cơ chế, chính sách, bảo đảm quyền lợi cho người dân...
Chú trọng tuyên truyền, giám sát
Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15 và Chỉ thị số 15 của Thành ủy đã đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, trong đó từng nội dung đã được phân công, giao tiến độ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, ngoài việc đưa vào danh sách các TCCSĐ cần củng cố, các vụ việc cần theo dõi, Ban Chỉ đạo sẽ làm việc với một số đơn vị, địa phương có nhiều đơn thư, vụ việc phức tạp, kéo dài. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 15 kết hợp với thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6/12/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ TP Hà Nội trong tình hình mới".
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã yêu cầu các cấp, ngành phải gắn với kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó chú trọng củng cố và phát triển hệ thống tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Công tác điều động, luân chuyển, quy hoạch và bố trí cán bộ của các địa phương cũng cần phải gắn với thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị, để tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở, phát huy được vai trò của người đứng đầu cấp ủy.
Thực tế cho thấy, có khoảng 70% số vụ việc khiếu kiện kéo dài và phức tạp của TP liên quan đến đất đai. Muốn tạo sự đồng thuận trong Nhân dân khi thực hiện chính sách này, việc tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu luôn được nhấn mạnh. Đồng thời, lãnh đạo các địa phương cần lắng nghe, quan tâm giải quyết những vụ việc phức tạp ngay từ đầu; sớm triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong tích hợp giải quyết các đơn thư của người dân một cách chặt chẽ, xuyên suốt, hiệu quả sẽ thúc đẩy hiệu quả hai Nghị quyết và Chỉ thị số 15 tại cơ sở.
Tăng cường tuyên truyền cuộc thi viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai vừa ký ban hành Công văn số 748-CV/BTGTU về tuyên truyền và triển khai kế hoạch cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ 2, năm 2022.
Căn cứ văn bản chỉ đạo của Ban Tuyên giáo T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức phát động cuộc thi trên rộng khắp, thực chất, sáng tạo, hiệu quả, chất lượng, phù hợp đặc điểm tình hình của cơ quan, địa phương, đơn vị. Đồng thời, tổ chức thu nhận, thẩm định các bài viết dự thi theo thể lệ và lập hồ sơ dự thi gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy trước ngày 15/7 để tổng hợp gửi Ban Tổ chức cuộc thi bảo đảm đúng thời gian quy định.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng ý nghĩa, nội dung của cuộc thi trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Khích lệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Lan tỏa trailer (đoạn phim giới thiệu) tuyên truyền về cuộc thi do Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Đưa tin về các hoạt động triển khai, tổ chức cuộc thi và lễ trao giải. (Trần Long)