Nền tảng vững chắcTrong những năm qua, Hà Nội đã đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm an sinh xã hội, với nhiều chính sách được thực thi. Trong đó, các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… của T.Ư đã được TP thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Đồng thời, TP cũng ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù về phúc lợi xã hội, thực hiện đồng bộ, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn. Đồng thời, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân về bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, chủ động bố trí nguồn lực và tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở...
Chăm sóc sức khỏe cho người già tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Đặc biệt, thường xuyên quan tâm, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ thu nhập thấp, đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo của Hà Nội đã được điều chỉnh theo hướng tăng cao, tạo điều kiện mở rộng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ. Nổi bật là giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở Hà Nội giảm còn 2,21%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,2%. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo được hoàn thành sớm hai năm, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều… Hà Nội đã xây dựng 10.000 nhà ở cho người có công; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 7.565 nhà ở cho hộ nghèo.Thêm một bước tiến mớiTuy nhiên, không bằng lòng với kết quả này, TP quyết tâm nâng cao hơn nữa đời sống người dân cả ở khu vực đô thị và nông thôn. Với mục tiêu đặt ra, đến năm 2020, GRDP bình quân/người đạt 8.300 - 8.500 USD; không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của TTP… Thành ủy Hà Nội xây dựng một chương trình công tác toàn khóa về an sinh xã hội. Đó là Chương trình số 08 “về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025”.Theo đó, TP sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân; tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh cơ cấu lại lao động nông thôn, phát triển kinh tế làng nghề, các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Đồng thời thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn; thêm giải pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng xa trung tâm; đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, tập trung, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi, vùng xa trung tâm…Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội, công tác dân số - gia đình, chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, thực hiện bình đẳng giới cũng được TP tiếp tục quan tâm. Phấn đấu đến năm 2025, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 76,5 tuổi, cao hơn hai tuổi so với bình quân chung cả nước. Cùng với đó, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân về bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, chủ động bố trí nguồn lực và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở... Trong nhiệm kỳ này, TP phấn đấu khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho tất cả người dân. Trong đó, chú trọng đến khả năng dự báo, giám sát, phát hiện, năng lực ứng phó, khống chế dịch bệnh.Với kinh nghiệm trong việc xây dựng, triển khai các chương trình công tác toàn khóa, Chương trình số 08 được triển khai hiệu quả sẽ tạo nền tảng quan trọng để Hà Nội phát triển bền vững trong giai đoạn tới.