Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng chất lượng quy hoạch để xóa dự án “treo”

Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, việc để các dự án “treo” gây lãng phí đất đai và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, nhất là trên địa bàn Hà Nội.

Cuộc sống của các hộ dân hồ Hạ Đình, quận Thanh Xuân “treo” theo dự án từ nhiều năm nay. Ảnh Phương Thịnh
Cuộc sống của các hộ dân hồ Hạ Đình, quận Thanh Xuân “treo” theo dự án từ nhiều năm nay. Ảnh Phương Thịnh

Giải pháp để xóa những dự án “treo”, quy hoạch “treo” lại một lần nữa được các đại biểu đưa ra bàn thảo tại nghị trường Quốc hội mới đây.

Sống thấp thỏm trong dự án “treo”

Phản ánh đến Kinh tế & Đô thị, người dân Tổ dân phố 15, Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm cho biết về những bất cập phải chịu đựng nhiều năm qua khi sống trong vùng dự án “treo”. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 và Quy hoạch phân khu Khu liên hợp thể thao Quốc gia được UBND TP phê duyệt năm 2013, vị trí Tổ dân phố 15 Tân Mỹ được xác định chức năng là đất hồ điều hòa, công viên cây xanh tập trung.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, quy hoạch không được thực hiện khiến cho gần 1.000 hộ dân tại đây sống trong cảnh tạm bợ, do không được cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà cửa, không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện quyền mua bán, sang nhượng, thừa kế… Cùng đó, hơn 30ha đất ruộng của Nhân dân Tân Mỹ bị bỏ hoang vì không có công trình thủy lợi, gây lãng phí tài nguyên đất.

Không chỉ các dự án chậm triển khai theo quy hoạch tại khu vực quận, huyện đang có tốc độ đô thị hóa mạnh, xây dựng nhiều mà ngay tại những quận trung tâm TP, nơi đã phát triển tương đối ổn định, nhiều dự án cũng trong tình trạng “treo” hàng thập kỷ, khiến cuộc sống của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Điển hình như các dự án Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng), Công viên văn hóa Đống Đa (quận Đống Đa), Công viên hồ điều hòa Hạ Đình (quận Thanh Xuân)… đã hơn 20 năm nay chưa được triển khai hoàn thiện khiến hàng trăm hộ dân nằm trong phạm vi quy hoạch dự án luôn phải thấp thỏm chờ đợi.

Trên thực tế, việc xử lý dự án chậm triển khai, nhất là những dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách được lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo sát sao, được HĐND TP ban hành cả Nghị quyết, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như biện pháp xử lý nghiêm đối với từng trường hợp như cảnh báo công bố công khai, thu hồi, không giao dự án mới…

Tuy nhiên, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tiến độ xử lý còn chưa được như mong đợi. Hàng nghìn người dân sống trong khu vực bị thu hồi đất để thực hiện dự án vẫn ngày đêm mong ngóng, đề nghị chính quyền địa phương sớm đưa ra câu trả lời về việc có tiếp tục thực hiện các dự án “treo” hay không? Nếu tiếp tục dự án thì sớm có giải pháp di dời, tái định cư cho các hộ dân, còn nếu không thì TP cần khẩn trương điều chỉnh, đưa các hộ dân ra khỏi vùng quy hoạch để họ ổn định cuộc sống, tránh tình trạng nhếch nhác từ năm này sang năm khác gây bức xúc trong dư luận.

Vấn nạn dự án “treo”, quy hoạch “treo" gây rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn, khiến người dân nhiều lần kiến nghị tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri. Tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu cũng đã nhiều lần đề cập, chất vấn, đề xuất các giải pháp khắc phục nhưng đến nay tình trạng chưa được cải thiện đáng kể.

Nâng cao chất lượng quy hoạch

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) cho rằng, quy hoạch “treo” không chỉ gây lãng phí, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân. Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai cần có quy định rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này.
Về giải pháp, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, bỏ tầm nhìn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bởi tầm nhìn chỉ mang tính ước lượng, dự báo, mà dự báo có thể chính xác, có thể không chính xác, có thể là một tác nhân của quy hoạch treo. Người dân chỉ mong muốn Nhà nước xác định rõ quy hoạch đất đai cụ thể là bao lâu và quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch.

Theo đại biểu, việc bỏ tầm nhìn quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu này. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch, cần chỉnh lý, bổ sung thêm vào luật quy định về quyền của người sử dụng đất. Đồng thời, bổ sung thêm nội dung, hết kỳ quy hoạch sử dụng đất đã được quyết liệt mà không thực hiện dự án thì hủy bỏ quy hoạch.

Cùng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh) đề nghị, các quy hoạch sử dụng đất có thể được lập đồng thời; quy hoạch sử dụng đất cao hơn được phê duyệt trước quy hoạch cấp thấp hơn. Đồng thời cần quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về trách nhiệm, thời gian hoàn thành quy hoạch. Theo đại biểu, việc này tránh tình trạng vướng mắc, cấp dưới phải chờ quy hoạch của cấp trên, kéo dài thời gian lập quy hoạch, ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân.

Bày tỏ quan điểm ở một khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quy hoạch là ngành khoa học tổng hợp, có tính chất dự báo, định hướng tổ chức về không gian cho các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, tài nguyên môi trường… Đã là định hướng thì phải có thời gian, tầm nhìn dài hạn, vì thế chúng ta không thể nói là quy hoạch “treo” mà thực chất trong triển khai quy hoạch hiện nay chúng ta có các dự án “treo”. Dự án “treo” được hiểu là dự án đầu tư đã được xác định trong quy hoạch, chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt nhưng tổ chức triển khai thực hiện không đảm bảo tiến độ theo quy định.

Về giải pháp hạn chế những dự án “treo”, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trước hết, phải xem xét để nâng cao chất lượng quy hoạch, phân loại quy hoạch hợp lý để chúng ta có những quy định cụ thể. Cũng phải nhìn nhận rằng công tác quy hoạch hiện nay đã có nhiều đổi mới, tích cực nhưng rõ ràng là chất lượng quy hoạch và nội dung của quy hoạch còn có những vấn đề. Chất lượng quy hoạch ở đây là tầm nhìn, dự báo vẫn chưa tạo cơ sở cho thực hiện nên vẫn còn nảy sinh những bất cập khi triển khai. Tiếp theo là phải gắn quy hoạch với lập kế hoạch. Kế hoạch có kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm để từ đó đưa ra lộ trình thực hiện quy hoạch một cách phù hợp với thực tế.

 

Việc Hà Nội có những dự án chậm triển khai lên tới hàng chục năm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ công tác quản lý. Chúng ta quản lý khá chặt chẽ ở khâu giao đất nhưng lại thiếu sự kiểm soát ở khâu sử dụng đất và thiếu giám sát, kiểm tra tiến độ các dự án. Để hạn chế tình trạng dự án “treo” trong bối cảnh hiện nay, việc phân công, phân cấp cần phải được cụ thể và phải xử lý vi phạm quyết liệt hơn.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam