Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năng động làng nghề dệt lưới chã Văn Lãng

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhờ năng động nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều hộ làm nghề làng Văn Lãng, xã Quang Trung (huyện Phú Xuyên) đã mạnh dạn đầu tư máy móc nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tăng thêm thu nhập.

 Nghề dệt lưới chã ở Văn Lãng (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên) mang lại thu nhập cao cho nhiều lao động.
Nghề dệt lưới chã có ở Văn Lãng khoảng 100 năm nay, bắt nguồn từ nghề dệt tơ, lụa, se chỉ thủ công. Từ vị thế nghề phụ, nghề dệt lưới chã đã trở thành nghề chính và mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây, với mức bình quân từ 150.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Đáng nói, nghề đã thu hút được đông đảo lực lượng lao động trẻ do tính chất công việc không nặng nhọc và tranh thủ được thời gian. Hiện, làng Văn Lãng có 460 hộ thì có tới 356 hộ làm nghề dệt lưới chã. Thu nhập bình quân một lao động đạt từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Từ chỗ dệt thủ công, đến nay nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc để giải phóng sức lao động. Hiện, Văn Lãng có 1 DN, 13 cơ sở sản xuất lưới tập trung, hơn 300 máy dệt các loại, chuyên sản xuất các mặt hàng lưới chã chất lượng cao.

Giám đốc Công ty TNHH Bảo hộ lao động - dệt Quang Trung Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Từ năm 2013, tôi đầu tư máy móc dệt lưới công nghệ cao nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường, đặc biệt là các đơn vị xây dựng công trình lớn trên cả nước. Công ty lúc nào cũng dày đặc các đơn đặt hàng nên doanh thu mỗi năng lên đến hàng chục tỷ đồng. Hiện, công ty tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động với thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng".

Ở Văn Lãng hiện nay không hiếm những hộ có cuộc sống khá giả, thành lập công ty, cơ sở sản xuất riêng, tạo việc làm cho nhiều lao động. Chủ tịch UBND xã Quang Trung Phạm Văn Quân cho biết, tháng 10/2017, làng nghề dệt lưới chã Văn Lãng đã được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Đây chính là niềm tự hào, nguồn động viên để người dân tiếp tục duy trì, phát huy giá trị sản phẩm làng nghề. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Văn Lãng là thiếu mặt bằng sản xuất. “Một số cơ sở đã có đối tác nhập khẩu ở một số nước ASEAN đặt vấn đề ký kết hợp đồng nhưng vì điều kiện mặt bằng hiện tại chật hẹp, không đáp ứng nhu cầu sản xuất để xuất khẩu” - ông Quân chia sẻ.

Do đó, niềm mong mỏi lớn nhất của các hộ làm nghề ở Văn Lãng là được TP, huyện Phú Xuyên tạo điều kiện tháo gỡ mặt bằng sản xuất. Có như vậy, làng nghề mới phát triển hiệu quả và bền vững, sản phẩm làng nghề mới có cơ hội vươn xa.