Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng giá trị cho cây chè

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tận dụng thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây chè, nhiều xã miền núi của Hà Nội đã nhân rộng mô hình trồng chè an toàn. Mô hình này đã và đang giúp nhiều nông dân làm giàu, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

 Mô hình trồng chè theo quy trình VietGAP tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai cho hiệu quả kinh tế cao.
Xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) là một trong những vùng trồng chè lớn của Thủ đô. Trước kia, chè của thôn Long Phú đã từng xuất khẩu tới các nước Đông Âu, song do nhiều nguyên nhân, diện tích chè ở Hòa Thạch bị giảm dần và có nguy cơ mai một. Để khôi phục, phát triển giá trị cây chè, năm 2012, được sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT Hà Nội, xã Hòa Thạch đã xây dựng mô hình trồng chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Long Phú. Đến nay, mô hình được nhân rộng với diện tích 200ha, năng suất chè đạt bình quân 13 tấn/ha, doanh thu đạt 500 - 700 triệu đồng/ha/năm. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch Cấn Văn Thành cho hay, giá trị kinh tế từ cây chè đang chiếm trên 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã. Cây chè đang tạo thu nhập ổn định cho 572 hộ dân địa phương với mức thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,4%.

Không chỉ có Hòa Thạch, cây chè cũng đang trở thành cây trồng chủ lực của người dân xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). Trước đây, các hộ trồng chè canh tác theo phương pháp truyền thống nên năng suất, chất lượng chưa cao; khâu tiêu thụ ở dạng thô nên giá thành rất thấp. Để tăng giá trị cho cây chè, năm 2012, Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp Bắc Sơn được thành lập nhằm liên kết nông dân xây dựng mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng thành công nhãn hiệu “Chè Bắc Sơn”. Đến nay, hợp tác xã có 100 hộ nông dân với 30ha chè trồng theo quy trình an toàn và 10ha chè VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao, trung bình đạt 350 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, hiện Hà Nội có hơn 3.000ha đất trồng chè. Tại các vùng trồng chè, nông dân dần thay đổi phương thức canh tác truyền thống sang canh tác chè sạch, an toàn, nâng cao chất lượng, gắn với thương hiệu và tiêu thụ chủ yếu ở dạng sản phẩm đã qua chế biến. Nhiều hộ trồng chè còn mạnh dạn đầu tư máy móc, nâng cao quy trình chế biến, tạo ra sản phẩm chè có giá trị cao, lên tới hàng triệu đồng/kg.

Nhận thấy hiệu quả của cây chè mang lại cho người dân các xã miền núi, TP đã có kế hoạch duy trì diện tích chè khoảng 3.300 - 3.500ha. Theo đó, TP đã hỗ trợ nông dân vùng chè tập trung vào giải pháp thay thế giống cũ bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn; chú trọng phát triển diện tích trồng chè tại vùng đồi gò thuộc các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì. Mục tiêu của TP đến năm 2020, diện tích trồng chè ứng dụng công nghệ cao đạt 556ha; nâng giá trị cây chè ứng dụng công nghệ cao lên 30 - 40%.