Nâng giá trị lúa gạo Thủ đô

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích lúa lớn của cả nước với gần 90.000ha mỗi vụ. Để phát huy hiệu quả canh tác, nâng cao giá trị lúa gạo Thủ đô trên thị trường trong nước và quốc tế, TP đã triển khai nhiều giải pháp, khuyến khích các địa phương tập trung phát triển cánh đồng mẫu lớn, vùng lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Rõ hiệu quả

Ứng Hòa là một trong những vùng chuyên canh lúa lớn của TP với hơn 8.000ha. Huyện đã xây dựng được bộ giống lúa chất lượng cao chiếm hơn 70% diện tích, trong đó hơn 3.700ha lúa Japonica gieo trồng theo hướng VietGAP và hữu cơ.

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy cho hay, sản phẩm gạo Khu Cháy của hợp tác xã chủ lực là các loại trong nhóm lúa Japonica đã được gieo trồng trên cánh đồng mẫu lớn, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhiều vùng đang hướng tới hữu cơ; sản phẩm được thu hoạch, sơ chế, đóng gói theo quy trình khép kín và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

 Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn tại xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc 

Tại huyện Đan Phượng, dù trên địa bàn còn ít diện tích đất lúa (khoảng 600ha lúa chuyên canh), song địa phương này đã có sự chuyển dịch lớn trong việc lựa chọn các giống lúa chất lượng cao vào thâm canh theo hướng hữu cơ. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho hay, vụ Xuân 2021, huyện đã đưa giống lúa ST25 là giống lúa gạo từng được bình chọn là ngon nhất thế giới về thâm canh theo hướng hữu cơ. Kết quả, giống lúa ST25 gieo cấy tại xã Thọ An đạt năng suất 63,3 tạ/ha, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của gạo đặc sản, được thị trường trong nước đón nhận và đánh giá cao.

Tương tự, xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) cũng đã xây dựng thành công vùng lúa hữu cơ gần 50ha, nhiều DN đặt hàng, cam kết tiêu thụ gạo Đồng Phú, trong đó có cả xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xuất khẩu Green Path Việt Nam Phùng Thị Thu Hương, chỉ tính riêng vùng lúa hữu cơ Đồng Phú, vụ Xuân năm 2020, công ty đã sản xuất 10 tấn gạo để chào hàng sang Australia, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện đơn vị tiếp tục mở rộng đầu tư vùng lúa hữu cơ phục vụ cho xuất khẩu.

“Mặc dù Hà Nội đã có những vùng lúa gạo chất lượng cao, nhưng cơ sở hạ tầng như nhà máy sơ chế, đóng gói, tập kết kho còn quá nhỏ lẻ. Trong khi đó, để có mặt tại các thị trường khó tính như Mỹ, Australia…, lúa gạo Hà Nội phải đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hạn chế này rất cần được sớm khắc phục” - bà Phùng Thị Thu Hương nhận định.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư chuỗi lúa gạo khép kín

Để phát triển vùng lúa gạo chất lượng cao, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, duy trì và phát triển 200 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

 Cánh đồng lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Tùng Nguyễn

Đưa ra định hướng phát triển trong những năm tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng khẳng định: “Để thương hiệu gạo Khu Cháy của huyện vươn ra thế giới, cùng với việc xây dựng bộ giống, bảo đảm quy trình canh tác an toàn, hoàn thiện các mô hình lúa hữu cơ, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thu hút, liên kết DN trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ và thúc đẩy phát triển công nghệ sau thu hoạch.

Còn theo bà Phùng Thị Thu Hương, thời gian tới, công ty sẽ thiết lập một dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp tại Hà Nội, gồm trung tâm kiểm định, cung cấp dịch vụ cho hàng hóa nông sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, còn có các đề án phục vụ trực tiếp hỗ trợ xuất khẩu, gồm: Sơ chế đóng gói, kho bảo quản, dịch vụ vận chuyển.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, đối với diện tích lúa kém hiệu quả, TP kiên quyết chuyển đổi sang cây trồng khác; đồng thời tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất lúa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. TP sẽ đầu tư và vận động các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi cho những vùng chuyên canh. Đặc biệt, TP khuyến khích, tạo cơ chế cho DN, hợp tác xã liên kết với nông dân, hình thành các chuỗi giá trị lúa gạo khép kín. Qua đó gia tăng năng suất, chất lượng, giá trị và nâng tầm thương hiệu sản phẩm lúa gạo của Thủ đô.

Hiện, Hà Nội đã có các vùng lúa chất lượng cao nhưng thương hiệu lúa gạo của Hà Nội lại chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy, Hà Nội cần tổ chức, quy hoạch các vùng lúa theo cánh đồng mẫu lớn; đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, tạo thành chuỗi giá trị.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần