Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng giá trị sống cho cư dân đô thị

Thương Huế thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cụm từ “thành phố thông minh”, trong những năm gần đây đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Tuy nhiên, để xây dựng, phát triển Hà Nội trở thành thành phố thông minh không đơn giản. Nhân dịp đầu Xuân mới Tân Sửu, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với CEO Nguyễn Ngọc Bảo Lâm – Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Ecotek (Ecotek) - Công ty thành viên của Tập đoàn Ecopark, được thành lập để thực hiện thí điểm mô hình khu đô thị thông minh do Bộ Xây dựng đặt hàng.

 CEO Nguyễn Ngọc Bảo Lâm
Yếu tố con người tạo nên sự khác biệt

Nhiều người cho rằng, thành phố thông minh là thành phố mà công nghệ sẽ đóng vai trò cốt lõi. Vậy theo ông, khái niệm "Thành phố thông minh” được hiểu như thế nào cho đúng?

- Thành phố thông minh là một phạm trù nhưng luôn vận động chứ không phải bất biến. Thành phố thông minh không phải là đích đến, mà là một tư tưởng, liên tục đổi mới, sáng tạo, nhanh chóng thích nghi với tương lai. Ở đó, con người mang yếu tố chủ đạo, công nghệ là nền tảng, hướng tới xây dựng mô hình thành phố thông minh, đáng sống nhằm mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân.

Như ông vừa nói, thành phố thông minh - con người vẫn là yếu tố chủ đạo, công nghệ chỉ là nền tảng?

- Đúng vậy. Thật ra, công nghệ cũng do con người phát minh và luôn phát triển nhưng là trên nền tảng cũ. Thành phố thông minh là thành phố có sự xuất hiện và hỗ trợ của công nghệ. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta đừng nhầm thành phố công nghệ là thành phố thông minh. Bởi lẽ, thành phố công nghệ tập trung vào các giải pháp hiện đại, còn một thành phố thông minh sẽ luôn tập trung vào các vấn đề và nhu cầu của con người, sử dụng công nghệ để giải quyết nó.

Ví dụ, tại Thành phố Songdo (Hàn Quốc), tất cả mọi yếu tố cuộc sống đều được cải thiện bởi một mạng lưới máy tính (ICT) từ khí hậu cho đến việc liên lạc hàng ngày. Ở đây, rác thải được tự động xử lý tại mọi nhà và được tái sử dụng thành điện năng, những công nghệ tiên tiến nhất về xử lý nước sạch tự động. Dù hiện đại thế nhưng từ năm 2015 cho đến nay, thành phố này mới chỉ thu hút được hơn 70.000 dân cư đến đây sinh sống, trong khi được thiết kế cho hơn 300.000 cư dân, vì không phải người dân nào cũng phù hợp với cuộc sống chỉ “áp đặt” bằng công nghệ này.

Thế nhưng ở Thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) lại khác, công nghệ chỉ là nền tảng hỗ trợ, con người vẫn là trọng tâm. Ở đây, người dân và chính quyền có thể giao tiếp qua một nền tảng công nghệ có tên là Decidim. Thông qua nền tảng công nghệ này, người dân có thể biết được chính phủ đang làm gì và đóng góp ý kiến. Ngược lại, chính quyền Barcelona có thể tiếp nhận ý kiến của người dân và phát triển thành phố theo chính sáng kiến của người dân nơi đây. Nền tảng công nghệ đã giúp tăng sự tương tác giữa chính quyền với người dân, góp phần tạo nên một thành phố thông minh tập trung vào những vấn đề của người dân, xây dựng do dân và vì dân. Kết quả, Barcelona đã triển khai thành phố thông minh thành công ở châu Âu.
 Khu đô thị  Ecopark nhìn từ trên cao
Hà Nội cần quy hoạch phân khu theo chủ đề

Được biết, mô hình “Đô thị thông minh bền vững” đang được thí điểm triển khai tại Khu đô thị Ecopark. Năm 2020, Khu đô thị Ecopark đã được vinh danh là Khu đô thị tốt nhất châu Á. Đây có phải là thành công bước đầu, có dấu ấn “đô thị thông minh”?

- Một trong những yếu tố tiên quyết để xây dựng một thành phố thông minh và đáng sống là lựa chọn quy hoạch, tiếp đến là hạ tầng xã hội rồi mới tới hạ tầng kỹ thuật. Phải đồng bộ như vậy thì mới tạo ra được giá trị đáng sống.

Năm 2017, Tập đoàn Ecopark nhận được lời mời của Bộ Xây dựng, triển khai thí điểm mô hình “đô thị thông minh”. Đây cũng chính là lý do để Ecotek ra đời. Là một công ty công nghệ, Ecotek nghiên cứu, tư vấn chiến lược và cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin hiện đại, ưu việt thông minh để hỗ trợ, đáp ứng những nhu cầu tối ưu của cư dân Ecopark. Việc hỗ trợ thông qua nền tảng công nghệ, ví dụ “app cư dân”. Qua app này, cư dân thoải mái bày tỏ quan điểm mong muốn, nguyện vọng, đề xuất với nhà quản lý, chủ đầu tư trong việc xây dựng đô thị, cung cấp dịch vụ, quy hoạch… từ đó triển khai cho phù hợp với nguyện vọng chính đáng của cư dân. Nền tảng công nghệ hỗ trợ cho mọi người cùng gặp nhau một điểm, cùng nhau xây dựng nên một khu đô thị đáng sống.

Vậy theo ông, những yếu tố nào có thể biến thách thức thành cơ hội, biến cơ hội thành hiện thực trong việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh, nhất là đối với Hà Nội?

- Mỗi nước có điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa khác nhau nên không thể áp dụng máy móc, nguyên xi. Nếu có thì cần áp dụng có chọn lọc, linh hoạt, phù hợp. Với Hà Nội, xây dựng phát triển thành phố thông minh trên nền tảng hiện tại, tôi nghĩ trước tiên cần quy hoạch phân khu theo chủ đề cho từng khu vực, sau đó bám theo chủ đề để triển khai trên mọi phương diện, chứ không nên đưa ra một khái niệm chung chung rồi triển khai đồng bộ cho tất cả địa bàn thành phố. Ví dụ, khu vực quận Tây Hồ, với vị trí địa lý, điều kiện xã hội như hiện tại thì nên quy hoạch xây dựng theo chủ đề “Thân thiện môi trường”; khu vực quận Ba Đình nên ưu tiên phát triển dựa trên nền tảng công nghệ (chủ đề có thể là “Chiến lược số hóa” hoặc “Phát triển hệ sinh thái công nghệ”), tức thay vì phát triển những dịch vụ tiện ích, sẽ tập trung vào những công nghệ nền tảng, để đảm bảo những cư dân, chủ đầu tư và hệ sinh thái luôn luôn có những công cụ, nền móng cần thiết để có thể tiếp tục sáng tạo, phát triển môi trường sống của mình. Với khu vực quận Hai Bà Trưng – đây là khu vực vốn có nhiều công nhân lao động ngụ cư, là nơi đất chật người đông, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cần được quan tâm hàng đầu, vì vậy nên quy hoạch xây dựng theo chủ đề như “Tối ưu hóa chất lượng sống”…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại. Để làm được điều này, Nghị quyết Đại hội XVII cũng nêu rõ 5 chỉ tiêu về quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường, như: Tỷ lệ đô thị hóa 60 - 62%; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đạt 100%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%...