VPF hoạt động trên nền tảng của một DN hoạt động kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực thể thao. Bởi vậy, VPF coi các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia là sản phẩm chủ đạo và khai thác dịch vụ liên quan tới các giải là hình thức tạo ra giá trị thương mại.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú, nhìn trên góc độ thương mại, các giải, trận đấu được coi là sản phẩm dịch vụ và người hâm mộ chính là khách hàng. Một giải được đánh giá là thành công khi thu hút nhiều khán giả, người hâm mộ, thông qua việc trực tiếp đến sân theo dõi, cổ vũ các đội bóng thi đấu hoặc xem qua truyền hình. Các trận đấu, đội bóng, cầu thủ là sản phẩm chính làm nên thương hiệu của giải, tăng tính hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của khán giả.
"Bên cạnh tính chuyên môn, các yếu tố về truyền thông, hình ảnh cũng đóng vai trò quan trọng. Khán giả sẽ thích thú hơn khi theo dõi một trận đấu trên mặt cỏ xanh, đủ tiêu chuẩn; khán đài sạch, đẹp mắt. Những hình ảnh đẹp cũng giúp khán giả có thêm hứng thú rồi quyết định bỏ tiền mua vé theo dõi trận đấu. Ngoài ra, các giải còn có những dịch vụ gia tăng đi kèm, bao gồm cung cấp kỷ niệm chương, quà lưu niệm, dịch vụ truyền hình…" - ông Trần Anh Tú cho biết thêm.
Để tăng giá trị thương mại, Công ty VPF đang tập trung vào kiện toàn, nâng cấp và phát triển chất lượng các giải. Một trong những thay đổi lớn để hướng tới khán giả trong những năm qua là thay đổi khung thời gian thi đấu.
Trước đây, các trận đấu thường diễn ra sớm, lúc 17 giờ và muộn nhất là 18 giờ để tránh trùng giờ với các trận đấu tại giải Ngoại hạng Anh vào cuối tuần.
Tuy nhiên, từ 2018 trở lại đây, Công ty VPF xác định V.League có tệp khán giả riêng và mạnh dạn thêm một khung giờ nữa, vào lúc 19 giờ 15. Đây được coi là khung giờ “đẹp”, chiều lòng khán giả và cầu thủ trên sân cũng thi đấu tốt hơn do tránh được cái nóng mùa Hè.
Bên cạnh đó, VPF cũng cập nhật nhiều công nghệ tổ chức, dần bắt kịp xu thế các giải quốc tế mang tầm châu lục. Một số hoạt động tiêu biểu có thể kể tới như bản nhạc dành riêng cho các giải, cúp vô địch mỗi giải được thiết kế riêng, sản xuất tỉ mỉ và mang nhiều dấu ấn…
Ban Tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia cũng tính toán biện pháp thúc đẩy sự phát triển chuyên môn của các đội bóng tham dự, trong đó, giải thưởng là yếu tố quan trọng. Kể từ mùa giải 2023, Công ty VPF đã thực hiện tăng giá trị giải thưởng lên đáng kể.
Tại Giải vô địch quốc gia, đội vô địch, đội Nhì, đội hạng Ba sẽ nhận về lần lượt 5 tỷ đồng, 2,5 tỷ đồng và 1,25 tỷ đồng thay vì 3 tỷ đồng, 1,5 tỷ đồng, 750 triệu đồng so với các mùa trước. Hiện nay, tổng quỹ giải thưởng của giải V.League vào khoảng gần 30 tỷ đồng.
Bên cạnh tiền giải thưởng, tiền hỗ trợ quảng cáo thì kể từ mùa giải 2023, sau khi bán bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia cho FPT Telecom cao hơn 20 lần so với các mùa giải trước, Công ty VPF cũng đã tiến hành chia tiền bản quyền truyền hình cho các đội bóng dựa trên thứ hạng đạt được tại giải League và mức độ tiến sâu tại Cúp quốc gia. Với các đội giành chức vô địch, số tiền này có thể lên tới 2 - 3 tỷ đồng/mùa.
Những điều này cho thấy, chủ trương xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực thể thao đang phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.