Kinhtedothi - Các chương trình tín dụng cho vay tại vùng khó khăn đã khơi dậy được tiềm năng về phát triển kinh tế của cả vùng, tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập đáng kể, nâng cao cuộc sống cho bà con ngay chính mảnh đất, quê hương mình.
Ảnh minh họa.
Tính đến hết tháng 11/2015, chương trình cho vay theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đã cấp tín dụng cho trên 1,8 triệu hộ với tổng doanh số đạt trên 38.000 tỷ đồng, hiện dư nợ còn gần 15.400 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,3%; chương trình cho vay theo Quyết định 92 đã cấp tín dụng cho khoảng 30.000 lượt khách hàng với tổng doanh số đạt gần 1.000 tỷ đồng, hiện dư nợ còn khoảng 250 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức cho vay hiện nay đối với các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn còn thấp. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng vốn vay ngân hàng đã tăng lên rõ rệt, phần lớn khách hàng đều có ý thức trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, nợ quá hạn ở mức thấp. Đa số khách hàng vay vốn cho rằng, mức cho vay tối đa 30 triệu đồng hiện nay đối với các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và thương nhân miền núi chưa đáp ứng đủ nhu cầu về vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để đáp ứng được cần phải nâng mức cho vay của Chương trình, có như vậy bà con đầu tư vào sản xuất sẽ tập trung hơn.
Trước nhu cầu thực tế của các hộ vay vốn, các bộ, ngành liên quan nên nghiên cứu, trình Chính phủ điều chỉnh nâng hạn mức cho vay để đáp ứng nhu cầu thực tế cho bà con, góp phần thiết thực trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.