Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng hiệu quả phối hợp giữa các địa bàn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải tỏa chợ “cóc”, chợ tạm, lập lại trật tự đô thị (TTĐT), đặc biệt tại các khu vực giáp ranh (KVGR) là câu chuyện không mới.

Nâng hiệu quả phối hợp giữa các địa bàn - Ảnh 1Để góp phần tìm lời giải cho vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học).

Ông đánh giá thế nào về công tác quản lý TTĐT tại các KVRG ở Hà Nội?

- Có thể nói, công tác quản lý TTĐT tại địa bàn KVGR giữa các phường, các quận hiện nay dường như đang bị bỏ ngỏ. Mặc dù chính quyền các địa phương vẫn thường xuyên tổ chức các buổi kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng biện pháp này không đem lại hiệu quả như mong muốn. Tại một số nơi, việc tuần tra kiểm soát còn nặng về hình thức, mang tính đối phó với dư luận chứ chưa thật sự quyết tâm. Thậm chí, một số cán bộ địa phương còn có hiện tượng “bảo kê”, dung túng cho vi phạm, thông báo trước thời gian kiểm tra để người vi phạm chủ động trốn tránh như một số cơ quan báo chí đã từng phát giác.

Vậy, theo ông, làm thế nào để khắc phục tình trạng trên?

- Để giải quyết triệt để vấn đề này, các đơn vị quản lý cần phải quy trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, ở đây là quận, huyện, phường, xã. Bởi, khi người đứng đầu không bị chỉ đích danh thì trách nhiệm của họ với công việc sẽ không cao, thậm chí là đẩy trách nhiệm cho những lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ khi có vụ việc xảy ra. Lãnh đạo các địa phương phải quan tâm, sát sao công tác của các lực lượng bên dưới, nâng cao chất lượng của sự phối hợp.
Nâng hiệu quả phối hợp giữa các địa bàn - Ảnh 2
Lực lượng chức năng kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Trình

Cùng với đó, phải bỏ qua khoảng cách về ranh giới địa lý, tránh tình trạng phường A cho rằng, đây là địa bàn, là trách nhiệm của phường B và ngược lại. Nếu làm được như vậy, chỉ cần luân phiên cắt cử lực lượng tuần tra của từng phường để kiểm soát cả khu vực. Như thế vừa nâng cao tinh thần trách nhiệm, vừa tăng cường độ rà soát địa bàn, đồng thời giải bài toán thiếu lực lượng cho chính quyền sở tại. Việc phối hợp chặt chẽ, linh hoạt sẽ phát huy hiệu quả thiết thực, lâu dài.
Một số địa phương cho rằng, quy hoạch chợ chính bất hợp lý là nguyên nhân khiến chợ “cóc”, chợ tạm vẫn còn “đất sống”, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Để đánh giá việc quy hoạch chợ tại các khu vực hiện đã hợp lý chưa là một điều rất khó. Bởi khi quy hoạch, người quản lý đã tính đến các trung tâm, tụ điểm và mức độ lan tỏa, từ đó có sự bố trí thưa, dày mật độ chợ, trung tâm thương mại tại các khu vực. Khi các chợ, trung tâm thương mại đi vào hoạt động sẽ có sức thu hút mạnh yếu khác nhau, ảnh hưởng đến độ đậm nhạt trong quy hoạch chợ, trung tâm thương mại. Hơn nữa, điều này còn gắn với tâm lý thị hiếu thường ngày của người dân: Manh mún, tự phát, đề cao tính thuận tiện. Tuy nhiên, nếu viện dẫn lý do "vị trí chợ" để biện minh cho việc chậm xử lý chợ “cóc”, chợ tạm là điều không hợp lý, đi ngược chủ trương của TP. Bởi việc làm ngơ cho chợ “cóc”, chợ tạm không chỉ ảnh hưởng đến TTĐT, VSMT, mỹ quan đô thị mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động của những tiểu thương - những người hàng ngày vẫn nộp thuế cho Nhà nước.

Vậy, theo ông, làm thế nào giải bài toán chợ “cóc”, chợ tạm?

- Việc xóa bỏ chợ “cóc”, chợ tạm là một vấn đề lâu dài, cần sự vào cuộc của tất cả các đơn vị có liên quan, bởi đây là sự tiện ích, thói quen cố hữu lâu nay. Các trung tâm mua sắm mới, siêu thị hiện đại không bao giờ đáp ứng được nhu cầu mua bán, lưu thông theo cung cách phân tán, nhỏ lẻ. Vậy nên, cần phải đưa "vấn đề họp chợ" vào khung pháp lý, tiến tới phát triển một đô thị văn minh, trật tự.

Trước tiên, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đến từng người dân, hình thành ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật. Trong đó, đặc biệt chú ý hơn đến việc tuyên truyền cho người dân thay đổi thói quen “tiện đâu mua đấy”, mà nên vào chợ chính để mua hàng nhằm góp phần hạn chế hàng rong, chợ “cóc”. Kiên quyết không để lực lượng chức năng bao che, dung túng cho sai phạm, thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Khi người dân tuân thủ pháp luật, cơ quan công quyền làm đúng chức năng nhiệm vụ, bài toán chợ "cóc", chợ tạm sẽ có đáp án tối ưu.

Xin cảm ơn ông!