Nặng hình thức, thiếu chuyên nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, mặc dù Bộ Công Thương đã có nhiều biện pháp triển khai, nhưng trong hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) vẫn bị đánh giá là thiếu và yếu.

Nguyên nhân là do chi phí cao, hiệu quả thấp nên nhiều doanh nghiệp (DN) không muốn bỏ chi phí đầu tư. Điều này đòi hỏi những hoạt động XTTM phải có những đổi mới để nâng cao chất lượng trong thời gian tới.

Kinh phí hạn hẹp

Việc bố trí không đủ kinh phí, hiệu quả của hoạt động XTTT còn thấp có phần nguyên nhân không nhỏ do nhiều chương trình còn nặng về hình thức, thiếu chuyên nghiệp. Tại Hội nghị Tham tán thương mại Việt Nam năm 2013, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung cho biết: Nhiều địa phương tổ chức XTTM tại thị trường nước ngoài không có chương trình cụ thể, nhiều đoàn có nội dung XTTM giống nhau nhưng lại không phối hợp cùng tổ chức cho đỡ tốn kém. "Thậm chí, đoàn đến chỉ đọc bài thuyết trình rất dài và phát tờ rơi quảng cáo, thời gian còn lại chủ yếu là đi… mua sắm! Trong khi hoạt động XTTM chỉ làm lấy lệ", ông Trung phản ánh. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các tham tán thương mại với DN rất lỏng lẻo. Hoạt động của các tham tán thương mại tại nước sở tại chủ yếu là tổ chức hội thảo, giới thiệu thị trường trong nước…

 
Quảng bá cà phê Việt Nam tại một hội chợ ở Hàn Quốc. Ảnh: Hoài Nam
Quảng bá cà phê Việt Nam tại một hội chợ ở Hàn Quốc. Ảnh: Hoài Nam
Thực tế hoạt động XTTM của các DN trong thời gian qua cho thấy, các DN chưa thực sự có một chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại thị trường nước ngoài một cách bài bản. Nhiều DN chỉ giới thiệu những sản phẩm mình có, chứ không tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán, sở thích tiêu dùng của người dân nước sở tại, chưa chuẩn bị thông tin đầy đủ để cung cấp cho các đối tác, chưa tìm hiểu đối tác cần gì để đáp ứng… Điều đó dẫn đến tình trạng hàng hóa phải mang đi mang về, không tìm được bạn hàng tiêu thụ, gây lãng phí trong các chương trình XTTM.

Năm 2014, Bộ Công Thương đề ra mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2013. Để mục tiêu này thành hiện thực, hoạt động XTTM tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường, là vấn đề cần được cả cơ quan quản lý và DN tiếp tục coi trọng.

Đổi mới cách làm

Muốn đẩy mạnh hoạt động XTTM tại những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…, thì việc đổi mới là điều cần thiết. Nhiều DN có chung ý kiến, trong hoạt động XTTM cho xuất khẩu, cộng đồng DN hiện rất quan tâm đến việc tham gia các hội chợ, triển lãm tại nước ngoài để có nhiều cơ hội hợp tác, tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ hàng hóa. Vì vậy, một số hiệp hội ngành hàng đã đề xuất tăng cường hỗ trợ DN tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành tại nước ngoài nhiều hơn được gửi đến Cục XTTM

Tham tán thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc Chu Thắng Trung cho rằng: Việc kết nối thông tin giữa tham tán thương mại tại nước ngoài với DN nên chặt chẽ, thiết thực hơn nữa. Bởi chính các tham tán đôi khi cũng  "đói" thông tin từ DN trong nước. Điều đó cho thấy, bản thân các DN cũng cần cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời để các Thương vụ có thể nắm bắt được. Để hoạt động XTTM đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Lương Văn Tự nêu ý kiến: Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nên cử đại diện tham gia các hiệp hội, ngành hàng của nước sở tại, bởi nhiều thông tin quan trọng chỉ có thể nắm được nếu là thành viên của hiệp hội, ngành hàng đó.

Bên cạnh sự vào cuộc một cách tích cực của các tham tán thương mại, bản thân DN trong hoạt động XTTM nên tùy theo từng thị trường, mặt hàng mà có giải pháp XTTM cụ thể, phù hợp. Ngoài ra, DN nên thành lập kho ngoại quan ở nước ngoài, từ đó trực tiếp bán vào hệ thống phân phối, giảm trung gian, hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Để công tác XTTM quốc gia có hiệu quả cao, các địa phương, đơn vị chủ trì XTTM phải xây dựng những đề án trọng tâm, thiết thực, sát với nhu cầu của DN, tạo điều kiện cho nhiều DN tham gia và hưởng lợi từ chương trình. Trong buổi làm việc mới đây về triển khai hoạt động XTTM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các Thương vụ phải đổi mới tư duy theo hướng không chỉ làm cầu nối cho DN với thị trường xuất khẩu, mà còn phải là nhà tư vấn cho DN, là "đại sứ hàng Việt" trong hoạt động XTTM.
Tham tán thương vụ một số nước vẫn chưa tích cực, năng động trong việc phối hợp với DN triển khai chương trình xúc tiến thương mại.Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng