Friday, 08:48 16/08/2013
Nặng kiến thức, thiếu những điều cơ bản
Kinhtedothi -
Chiều 15/8, tại Phiên họp thứ 20, UBTV Quốc hội đã xem xét Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật để đảm bảo chất lượng và chương trình - sách giáo khoa (CT - SGK) giáo dục phổ thông (GDPT).
Vừa thừa, vừa thiếu
Như nhận định của các thành viên UBTV Quốc hội, Báo cáo giám sát đã đề cập tới gần như toàn diện mọi mặt của GDPT, nhưng "xương sống" chính là CT và SGK. Đây là vấn đề lớn, liên tục được đề cập đến cả trong các kỳ họp Quốc hội, hội thảo lớn, nhưng thực tế vẫn đang rất "rối".
![]() Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
|
Kết quả giám sát cho thấy, quy trình biên soạn CT - SGK GDPT ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học. Hội đồng xây dựng SGK thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, nhà giáo, nhất là giáo viên trực tiếp dạy. Các kiểm tra đánh giá của Đoàn cho thấy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên thiếu đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu. Sự thiếu khoa học trong quy trình biên soạn tất yếu dẫn đến sự bất cập, vừa thiếu, vừa thừa.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Bhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, một trong những khiếm khuyết lớn nhất của GDPT là công tác biên soạn CT - SGK phổ thông vẫn thừa những kiến thức nặng nề, xa vời, nhưng lại thiếu những điều cơ bản. Thiên về trang bị kiến thức mà chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện kỹ năng, nhất là kỹ năng sống và nhân cách học sinh. Những môn học này gần đây được đưa vào dạng tích hợp nhưng lại thiếu sự linh hoạt. Cũng vì "cái cần không học mà học cái không cần", cộng với cách đánh giá, thi cử nặng nề như hiện nay nên đã diễn ra tình trạng học nhồi nhét, học thêm tràn lan, vô cùng tốn kém, hiệu quả lại thấp. Chính phủ cần tổng kết việc thực hiện CT - SGK một cách nghiêm túc và sâu sắc. CT - SGK phải đảm bảo cân đối "dạy chữ" với "dạy người" và "định hướng nghề nghiệp"; tăng cường tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, tư duy sáng tạo và năng lực tự học; giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn phù hợp…
Đổi mới thế nào?
Đồng tình với những nhận định bản Báo cáo giám sát đưa ra về thực trạng CT - SGK của GDPT, nhưng các thành viên UBTV Quốc hội cho rằng, đoàn giám sát vẫn chưa xoáy vào vấn đề then chốt nhất là cần đổi mới gì. Chủ nhiệm Ủy ban KH - CN và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng: Nên thẳng thắn đưa ra những nhận định cụ thể: Chất lượng giáo dục đã tốt chưa, CT nặng hay nhẹ, SGK có phù hợp hay không. Từ đó, mới đưa ra được những kiến nghị cụ thể nhất.
Chỉ rõ SGK đang thiếu hơi thở thời đại và thực tiễn, thể hiện ở chỗ thiếu tính hệ thống, liên hoàn, nặng về kiến thức bác học, thiếu kiến thức phổ thông, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, chính điều đó đang làm lãng phí thời gian của xã hội, gây áp lực cho cả giáo viên và học sinh. Trong một giai đoạn ngắn mà cải cách nhiều quá, ngay cả chữ viết cũng thay đổi liên tục, dẫn đến lúng túng. Mặc dù có những cái khó thuộc về tài chính, nhưng khi ngân sách đã dành 20% cho giáo dục, cộng với tài chính của gia đình cho việc học rất lớn, vậy tại sao tiền tăng không tỷ lệ thuận với chất lượng. "Có ý kiến cho rằng, để cải cách được, chính ngành giáo dục phải chiến thắng lợi ích của bản thân, vì lợi ích của cộng đồng và người dân" - ông Hiển nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề xuất: Cần chỉ rõ hơn các thành tựu, hạn chế của GDPT hiện nay, đưa ra những địa chỉ cụ thể. Từ đó có định hướng trong thời gian sắp tới cần những điều gì để có CT - SGK tốt; có nên tính đến một hay hai bộ SGK…. Báo cáo cũng nên đề cập đến lộ trình ngân sách; tiền huy động từ người dân thế nào. Nếu nguồn lực từ Nhà nước tăng, liệu túi tiền người dân phải bỏ ra có giảm không và chất lượng có tăng không? Đấy là những câu hỏi cần trả lời để có được những quyết sách đúng cho CT - SGK, hai vấn đề đang được nói đến như trọng tâm của GDPT hiện nay.
Sáng 15/8, cho ý kiến về Dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Ban soạn thảo nên tiếp cận Dự án Luật một cách toàn diện hơn, không đơn thuần chỉ ở khía cạnh thủ tục hành chính, còn phải nâng cao hơn nữa vai trò của hải quan trong công tác quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, hiệu lực phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục làm rõ, bổ sung thêm quy định cụ thể hơn. |