Chỉ khác một điều là lần này, ông triển lãm tranh sơn dầu. Với ông, dù chất liệu tranh nào cũng cần sự đam mê, sáng tạo và phải bỏ công sức lao động giống nhau. Triển lãm diễn ra đúng vào dịp Ngày quốc tế phụ nữ mùng 8-3 của ông như một lời tri ân nhiều yêu thương đối với người bạn đời và “một nửa thế giới”, những người góp tay tạo ra tình yêu, hơi ấm gia đình trong cuộc sống này.
Nhà họa sĩ Phùng Dzi Thuần – một ngôi nhà thuộc hàng cổ xưa rất trầm mặc tại phố Khâm Thiên – Hà Nội. Giữa xa hoa các cửa hàng cửa hiệu mặt phố, ngôi nhà của họa sĩ lặng lẽ cánh cửa nâu thâm trầm. Trong ngôi nhà, khối tài sản quý giá nhất là những bức tranh – chủ yếu thuộc thể loại sơn mài với kích thước to, nhỏ khác nhau. Có những bức tranh rộng gần 12m2, họa sĩ còn đùa rằng: “Diện tích bức tranh này còn lớn hơn cả ngôi nhà trước kia vợ chồng tôi có”.
Trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật hơn 60 năm của họa sĩ, ông cũng có vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau, nhưng thể loại làm ông say mê nhất vẫn là sơn mài, ông nói vui là tranh dùng chất “sơn ta” (tiếng trong giới chuyên môn thường gọi để phân biệt với nhiều loại sơn khác).
Năm 2013 tại nhà Triển lãm 16, phố Ngô Quyền, họa sĩ đã tổ chức một triển lãm cá nhân riêng về dòng tranh sơn mài. Tại đây, ông đã giới thiệu những thành tựu trong tìm tòi các kỹ thuật mới, những đề tài khác nhau với vẻ đẹp phong phú và lộng lẫy đặc sắc của dòng tranh này.
Triển lãm tranh cá nhân bắt đầu lúc 16g ngày 9-3 lần này, ông lại chọn một dòng tranh khác: Sơn dầu. Hơn 40 bức tranh khổ lớn với chủ đề về những người phụ nữ sẽ được ông giới thiệu đến bạn yêu tranh Hà Nội và cả nước.
Họa sĩ Phùng ZDi Thuần đã vào tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn miệt mài với tranh khổ lớn, ông nói: Sẽ có nhiều người ngại vẽ tranh khổ lớn, làm tranh khổ lớn vất vả và nhiều công sức, nhưng tôi đã nhiều chục năm vẽ tranh khổ lớn nên quen. Tất nhiên, với chất liệu sơn dầu nghe thì có vẻ “dễ” hơn sơn mài, nhưng kỳ thực, công sức, tâm sức, sự sáng tạo là như nhau.
Về chủ đề “Một nửa yêu thương” đối với những người phụ nữ lần này, họa sĩ Phùng Dzi Thuần chia sẻ: Tôi nghĩ ai cũng thế, sẽ có những kỷ niệm, cảm xúc yêu thương với một người phụ nữ của đời mình, từ những năm tháng thanh xuân đến những tháng năm sau nữa của cuộc đời. Người phụ nữ luôn là những người giàu sự yêu thương, giàu đức hi sinh và chính họ là người nâng niu, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Những bức tranh của tôi trước hết là sự cảm ơn, biết ơn người bạn đời lâu năm của mình và cũng mong truyền đạt tư tưởng yêu thương, trân trọng người phụ nữ đến nhiều công chúng yêu tranh khác.
Điểm dễ nhận thấy nhất trong tranh của họa sĩ Phùng Dzi Thuần dù ở thể loại nào, các tầng lớp trong tranh, cho thấy một không gian có chiều sâu, lúc tĩnh tại, lúc tươi vui trong từng nét vẽ. Ông bảo: Không thể tính thời gian bao lâu xong một bức tranh, bởi còn phụ thuộc vào chuyện sẽ thành công hay thất bại và cảm hứng của người nghệ sĩ. Vì thế đến thời điểm này, có bao nhiêu tranh trong sự nghiệp sáng tác của mình ông cũng không nhớ hết được.
40 bức tranh sơn dầu về chủ đề người phụ nữ lần này, mỗi bức tranh là một tình huống, một câu chuyện, một thông điệp riêng với những khối màu sắc rất sống động. Ông nói về bức tranh “Mùa xuân”, khắc họa hình hài của một cô gái thuở mới lớn, xinh đẹp và tròn trịa, không dung tục trần trụi mà đượm tính hình tượng của nghệ thuật. Ông cũng giới thiệu về bức tranh mang tên “Hai tình yêu”, trong đó khắc họa một anh họa sĩ vì mê mải vẽ tranh đã lỡ hẹn với người yêu của mình…mỗi bức tranh là một câu chuyện, một tình huống cuộc đời. Tranh ông chú ý tỉ mỉ từng chi tiết, một cô gái hờn dỗi người yêu với chiếc lọ không cắm hoa trên bàn… mỗi chi tiết trong bức tranh đều được ông chăm chút kỹ lưỡng.
Họa sĩ Phùng Dzi Thuần nói rằng: Khán giả của hội họa, rõ ràng ở chừng mực nào đó vẫn là những người trong nghề nhiều hơn số đông đại chúng, nhưng đến một lúc nào đó, văn hóa xã hội, văn hóa thưởng lãm nghệ thuật sẽ đi lên cùng với sự phát triển kinh tế, con người sẽ quan tâm đến nghệ thuật nhiều hơn, vì thế, ông không buồn khi những người yêu tranh và hiểu tranh có thể còn ít ỏi. Cả đời yêu tranh và vẽ tranh, yêu các chất liệu tranh truyền thống nên ông vẫn sáng tạo không ngừng, bằng tình yêu tha thiết đối với cuộc đời.