Năng lượng sạch đảm bảo tăng trưởng bền vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab: Tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng "tăng trưởng xanh" chính là chìa khóa để khắc phục triệt để hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.

Điện hạt nhân

 

Tại hội thảo chuyên đề về an ninh năng lượng tại Diễn đàn Davos mùa Hè lần thứ 5 (diễn ra tại Đại Liên, Trung Quốc từ 14 -16/9), các diễn giả đều nhất trí cho rằng việc phát triển các nguồn năng lượng mới và xây dựng một ngành công nghiệp "carbon thấp" là cách duy nhất để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Mặc dù, sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3 tại Nhật Bản đã gây nên sự quan ngại sâu sắc nhưng nhiều đại biểu tham gia Diễn đàn Davos mùa Hè năm nay vẫn khẳng định niềm tin vào tương lai của nguồn năng lượng sạch này. Theo các diễn giả, nhiên liệu hóa thạch ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ, nên điện hạt nhân vẫn là một phần quan trọng của chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng của nhiều nước, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển. Do vậy, việc các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại các quốc gia đang phát triển mới ở giai đoạn đầu sẽ giúp các nước này tích hợp nhiều hơn các biện pháp đảm bảo an toàn hạt nhân khi xảy ra sự cố.

Ông Mohamed Bin Dhaen Al Hamli, Bộ trưởng Năng lượng của UAE cho biết, nước này hiện đang xây dựng 4 nhà máy điện hạt nhân, dự kiến năm 2017, nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động. Ngay tại Nhật Bản, mặc dù Chính phủ mới đang cân nhắc việc hạn chế phát triển năng lượng hạt nhân nhưng tiến trình này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Theo ông Yorihiko Kojima, Chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Nhật Bản cần thảo luận nghiêm túc về vấn đề này để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.

Và năng lượng tái tạo

Khẳng định sự cần thiết phải duy trì và đảm bảo các biện pháp an toàn khi sử dụng năng lượng hạt nhân trong giai đoạn hiện nay, các học giả cũng cho rằng, về lâu dài các quốc gia cần nhanh chóng đa dạng hóa các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời,... Trong tương lai, mức độ sạch của năng lượng sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của một quốc gia nên phát triển năng lượng mặt trời là mục tiêu được nhiều nước hướng tới. Thậm chí ngoài việc đảm bảo nhu cầu năng lượng trong nước, khả năng xuất khẩu năng lượng mặt trời sẽ mang lại nguồn thu đáng kể, giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần