Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năng lượng sạch hút nhà đầu tư

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư ngoại nhờ vào những lợi thế tự nhiên. Với tiềm năng dồi dào trên cả nước, cộng với sự phát triển của công nghệ cũng như chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo của Chính phủ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ ngày càng có nhiều các dự án điện gió, điện mặt trời trên khắp cả nước.

 Nghiên cứu sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Nguyễn Lam
94% DN mong muốn đầu tư tại Việt Nam

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 đã nhấn mạnh về vấn đề năng lượng sạch cho Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu. “Nhu cầu năng lượng tăng cao để đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn năng lượng chủ yếu được khai thác mạnh từ các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí tự nhiên… đang dần cạn kiệt, Việt Nam đang phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện.
Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, Việt Nam sẽ đẩy nhanh phát triển nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo và giảm tỷ trọng thủy điện. Việt Nam đặt mục tiêu đạt công suất lắp đặt điện gió, điện mặt trời lên khoảng 1.700 MW vào năm 2020 và sẽ tăng gấp hơn 2 lần đối với điện gió, gấp hơn 5 lần đối với điện mặt trời vào năm 2030.
Bởi vậy, phát triển năng lượng tái tạo là tất yếu ở Việt Nam” - Đại sứ trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet nhận định và cho rằng, nếu tập trung nguồn đầu tư cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió và mặt trời thì giai đoạn sau năm 2020 Việt Nam sẽ không lo thiếu điện.

Theo ông John Kerry - cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn về năng lượng sạch. Tại Mỹ, 75% nguồn điện được đưa vào điện lưới thời gian qua là điện mặt trời, điện than chỉ còn chiếm 0,2%. “Nhiều DN, tổ chức của Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực khí hóa dầu, năng lượng tái tạo và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng an ninh năng lượng của Việt Nam” - cựu Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ.

Còn theo đại diện nhóm đối tác Điện và Năng lượng, khi tham dự một hội thảo về năng lượng được tổ chức tại Singapore, 94% các DN tin rằng Việt Nam là điểm đến tương lai của ngành năng lượng. Superblock Pcl, công ty năng lượng mặt trời lớn nhất Thái Lan cũng có kế hoạch đầu tư 1,76 tỷ USD để xây dựng các trang trại điện gió có tổng công suất 700MW ở Việt Nam.

Nhiều dự án tỷ USD

Theo Bộ Công Thương, quy mô các dự án điện mặt trời của cả nước đã và đang xếp hàng được xét duyệt hiện lên đến 332 dự án với tổng công suất lên tới khoảng 26.000MW cho đến thời điểm năm 2030. Hiện có 122 dự án điện mặt trời đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Nhiều địa phương đã ghi nhập “làn sóng” các dự án đầu tư năng lượng sạch, tái tạo khác được chấp thuận đầu tư.

Đối với các DN trong nước, tiêu biểu là dự án trị giá hơn 8.000 tỷ đồng của Công ty CP Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu, sản lượng điện phát hàng năm dự kiến đạt 373 triệu kWh. Hay dự án điện mặt trời của Công ty CP Phong điện Thuận Bình, có kế hoạch đầu tư khoảng 150MW điện mặt trời theo 3 giai đoạn. Đối với các dự án đầu tư từ nước ngoài, mới nhất phải kể đến là dự án 1,76 tỷ USD của Superblock Pcl xây dựng các trang trại điện gió có tổng công suất 700MW ở Việt Nam. Tập đoàn Kosy đầu tư một số dự án thủy điện, điện mặt trời và điện gió trong thời gian tới với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng với công suất 34 MW, mục tiêu sau 2,5 năm sẽ phát điện, hòa vào mạng lưới điện quốc gia.

Tuy vậy, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là gió và điện mặt trời vẫn được xem là đắt đỏ so với năng lượng hóa thạch. Ngoài ra còn những nút thắt cần tháo gỡ, trong đó thách thức lớn nhất là truyền tải công suất, nội dung hợp đồng mua bán điện. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tới 12 tỷ USD/năm để duy trì phát triển năng lượng sạch. Do đó, bên cạnh việc đưa ra khuôn khổ về tính thanh khoản, cần hàng loạt cơ chế khác như hạn ngạch (định mức chỉ tiêu), cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu, cơ chế cấp chứng chỉ cần rõ ràng, hợp lý… đảm bảo chia sẻ rủi ro, hỗ trợ người dân sử dụng lẫn nhà sản xuất điện tái tạo trong thời gian dài hạn.