Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng năng lực cạnh tranh cho khu vực doanh nghiệp tư nhân

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, giảm phát thải khí nhà kính là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam để giảm thiểu tác hại tiêu cực lên môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững.

Đó là nội dung được các chuyên gia tại buổi Tập huấn “Tổng quan về các yêu cầu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Cơ chế các-bon: Thách thức và Giải pháp ban đầu cho doanh nghiệp”, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) thuộc Bộ KH&ĐT (MPI) tổ chức mới đây.

Toàn cảnh sự kiện.
Toàn cảnh sự kiện.

Doanh nghiệp cần chủ động

 

Sự kiện nhằm giúp trang bị cho các doanh nghiệp Việt Nam các kiến thức phù hợp, có hệ thống để xác định định hướng, xây dựng tầm nhìn chiến lược tổng thể, dài hạn về các giải pháp giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng đáp ứng theo các yêu cầu của thị trường và duy trì tăng trưởng.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy - quản lý Chương trình Cao cấp Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị Nhà nước USAID Việt Nam, mỗi quốc gia, mỗi thị trường còn có thể áp dụng những quy định khác nhau về vấn đề này nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giảm phát thải của quốc gia đó, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận thị trường, sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiêu thụ và xử lý sản phẩm sau tiêu dùng của doanh nghiệp.

“Thực tế đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các quy định, nguy cơ và giải pháp liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính tác động trực tiếp và gián tiếp tới doanh nghiệp thông qua việc sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường” – bà Bích Thủy nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - quản lý Chương trình Cao cấp Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị Nhà nước USAID Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - quản lý Chương trình Cao cấp Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị Nhà nước USAID Việt Nam.

Đồng thời thông tin, Dự án USAID IPSC do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và Bộ KH&ĐT (Cục Phát triển doanh nghiệp) là chủ dự án, với tổng ngân sách 36 triệu USD được thực hiện trong 5 năm (2021 - 2025), bao gồm 4 hợp phần: Tăng cường năng lực quản trị, quản lý và chiến lược của các doanh nghiệp đang tăng trưởng; Nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh thông qua việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ; Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển mang tính bao trùm; Thúc đẩy các liên kết doanh nghiệp - doanh nghiệp và liên kết ngành.

Các chuyên gia quốc tế và trong nước đã chia sẻ với các doanh nghiệp về thị trường các-bon, hoạt động kinh doanh các-bon, các yêu cầu và cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng; các giải pháp chủ động giảm nhẹ phát thải cho doanh nghiệp...

 

Dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng nhằm giúp họ nâng cao năng suất; hỗ trợ 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt; 60 doanh nghiệp tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm “Made by Viet Nam”.

Bà Nguyễn Thị Hiền Trang - chuyên gia về giảm phát thải của tổ chức Act Renewable có trụ sở tại CHLB Đức cho biết, giảm phát thải chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, Việt Nam đang đi theo xu thế của thế giới, với mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính ngày càng tham vọng. Luật Môi trường sửa đổi năm 2020 đã có Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 139 quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon.

Hiểu CBAM để chuyển mình

Các chuyên gia đưa ra khuyến cáo, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU cần nghiên cứu cơ chế Điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), đồng thời nhận thức rõ giảm phát thải khí nhà kính là xu thế tất yếu của thế giới, không thể đảo ngược.

Các nhà máy nhiệt điện phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Ảnh minh họa.
Các nhà máy nhiệt điện phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Ảnh minh họa.

Các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, hay Hàn Quốc… cũng đã và đang xây dựng những cơ chế tương tự để thực hiện các cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính, cân bằng giá các-bon giữa sản phẩm nội địa và sản phẩm nhập khẩu. Vấn đề chỉ là thời điểm nào.

Ông Rasmus Nedergaard – chuyên gia về năng lượng tái tạo của tổ chức Act Renewable đánh giá, Việt Nam là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, chiếm tỷ trọng 1,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của EU. Ba quốc gia EU nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam là Hà Lan (7, 849 tỷ euro), Đức (7,68 tỷ euro) và Italia (3,519 tỷ euro). 

Trong xu thế ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí hậu vào năm 2050 (zero các-bon), EU đã đưa ra nhiều cơ chế, trong đó phải kể đến cơ chế CBAM. Mục đích nhằm giảm tình trạng rò rỉ các-bon (là tình trạng doanh nghiệp trong EU tìm cách chuyển hoạt động sản xuất phát thải nhiều các-bon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo ở những nơi đó).

Ông Shailesh Telang (Act Renewable) cho rằng, CBAM sẽ áp một loại thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu vào EU. Mức thuế phụ thuộc vào hàm lượng phát thải trong sản xuất cũng như chênh lệch giữa giá carbon theo ETS của EU và giá tại nước sản xuất. Hàng hóa sau CBAM khi vào thị trường EU sẽ trở nên đắt đỏ hơn, trừ khi doanh nghiệp thực hiện cắt giảm phát thải KNK. Hiện tại CBAM đang áp dụng đối với các sản phẩm nhập khẩu thuộc các ngành: điện, sắt thép, phân bón, nhôm và xi măng.

Các doanh nghiệp có thời gian quá độ là 2 năm (từ 1/1/2023 đến 31/12/2024) để kiểm kê khí nhà kính của các doanh nghiệp cũng như việc phát thải của các đơn vị thuộc chuỗi cung ứng. Phạm vi các ngành sản xuất bị điều chỉnh bởi cơ chế CBAM sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai, bao gồm nhiều sản phẩm hơn. Vì thế, CBAM sẽ tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang EU thời gian tới. Cơ chế này có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào thị trường EU.

Chuyên gia đến từ tổ chức RCEE-NIRAS Nguyễn Thanh Mai cho biết, mới đây, Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính Phủ đã được ban hành ngày 7/1/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Chính phủ đã có lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Theo Quyết định 01/2022/QĐ-CP, đã có danh sách gần 2.000 doanh nghiệp phải thực hiện thí điểm việc báo cáo phát thải khí nhà kính vào năm 2025. Những năm tiếp theo, thị trường các-bon được hình thành, phát triển sẽ tác động sâu rộng đến nhiều mặt đời sống kinh tế của đất nước. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất có cường độ phát thải lớn phải chuyển mình.

 

Danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính dự kiến là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc các đối tượng sau: Các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; Các công ty kinh doanh vận tải hàng hoá có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Các tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.