Hà Nội:

Nâng ngực bằng sóng xung kích, một phụ nữ “suýt mất ngực” sau tiêm chất lạ

Bài, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được một thẩm mỹ viện tại Hà Nội tiêm chất lạ vào ngực, sau 5 phút, ngực người phụ nữ 30 tuổi nhô lên, biến dạng, đau đớn, bóp ra chất lỏng sệt, được cơ sở giải thích là “thuốc tê pha nước muối”. Hoang mang, lo sợ, người phụ nữ vội đến Bệnh viện E “cầu cứu”.

Quảng cáo nâng ngực bằng sóng xung kích, sau 60 phút sẽ cải thiện bộ ngực

Tại Bệnh viện E, theo lời kể của bệnh nhân, qua bạn bè giới thiệu, chị đến một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội nâng ngực bằng sóng xung kích. Nghe quảng cáo công nghệ này giúp tăng các mô cơ ở ngực, tăng size ngực ngay sau 1 lần. Các nhân viên tư vấn, đây là phương pháp độc quyền, không xâm lấn, không phẫu thuật, chỉ sau 60 phút sẽ cải thiện bộ ngực, chi phí 80 triệu đồng.

“Họ giải thích với tôi rằng về nguyên lý, sóng xung kích từ trường sẽ kích thích các mô mỡ ngực phát triển, sau một lần có thể thay đổi kích thước ngực đến 60-70%; sau 15-18 ngày đạt 80-90%. Tôi cũng tìm hiểu thêm, một số thẩm mỹ viện khác đã thực hiện công nghệ này. Qua tìm hiểu, tôi được biết, cơ sở này có 1 chi nhánh ở Hàn Quốc và 3 chi nhánh ở Việt Nam nên tôi tin tưởng làm” - nữ bệnh nhân chia sẻ.

Tại Bệnh viện E, theo lời kể của bệnh nhân, qua bạn bè giới thiệu, chị đến một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội nâng ngực bằng sóng xung kích. 
Tại Bệnh viện E, theo lời kể của bệnh nhân, qua bạn bè giới thiệu, chị đến một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội nâng ngực bằng sóng xung kích. 

Đáng chú ý, trước khi thực hiện công nghệ, người phụ nữ này được tư vấn, trong quá trình thực hiện, do sử dụng máy tác động vào cơ ngực, hơi đau nên cơ sở sẽ tiêm gây tê để giảm cảm giác đau đớn. “Trước khi tiêm gây tê, tôi được cơ sở giải thích có chiếu đèn để tiêm tê, tuy nhiên, lấy lý do sợ hỏng mắt nên cơ sở phải che mắt tôi lại” – bệnh nhân kể lại.

Sau gây tê 5-7 phút, bên ngực trái, bệnh nhân thấy bất thường, có cảm giác không yên tâm, càng thấy hoang mang, lo sợ hơn khi cảm nhận rõ sự bất bình thường ở bên ngực phải.

Bệnh nhân cho hay: “Cảm nhận sự bất bình thường, tôi kéo khăn che mắt và thấy bác sĩ đang tiêm một chất lạ vào ngực mình. Tại thời điểm đó, bác sĩ mới chỉ tiêm gây tê bên ngực trái nhưng tôi thấy ngực trái đã nhô lên, có sự thay đổi về vòng size ngực rồi”.

Lo sợ trước phương pháp làm đẹp không như lời quảng cáo ban đầu nên người phụ nữ yêu cầu cơ sở dừng thủ thuật lại. Đồng thời yêu cầu bác sĩ giải thích đưa chất gì vào ngực mình. Sau khi được bác sĩ giải thích thuốc gây tê pha lẫn nước muối sinh lý nhưng người phụ nữ này khẳng định đây không phải là chất gây tê.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E chia sẻ về ca bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E chia sẻ về ca bệnh.

Ngay khi đó, người phụ nữ bóp trong ngực thấy có rất nhiều chất lỏng, sệt sệt, dạng gel. Hoang mang, sợ hãi, nạn nhân giơ máy điện thoại ra quay video thì bị các bác sĩ và y tá ở cơ sở này khống chế, giật điện thoại và xóa video.

Sau sự việc, nạn nhân đã gọi điện đến cơ quan công an trình báo và nhanh chóng đến Bệnh viện E kiểm tra tình trạng sức khỏe vì sau khoảng 10 giờ đồng hồ từ cơ sở thẩm mỹ đến bệnh viện, chị thấy ngực sưng, đau.

Ngay sau khi vào viện, các bác sĩ phát hiện hai bên ngực của người bệnh có lỗ tiêm rất to, bóp ra chất lỏng sền sệt, màu hồng, không rõ loại.

Nguy cơ tiêm sillcon lỏng vào ngực, cảnh báo nhiều nhưng vẫn còn hiện hữu

Chia sẻ về ca bệnh, bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E cho hay, nữ bệnh nhân vào viện trong tình trạng hoảng loạn, đau, tức vùng ngực. Khám tại chỗ, vùng ngực 2 bên có vết tiêm với size kim lớn. Vùng ngực tại chỗ tấy đỏ, khi sờ vào thấy cục, khối lổn nhổn trong mô vú, bệnh nhân có cảm giác đau.

Khi siêu âm, bác sĩ thấy có các khối tụ dịch, lẫn khí, nằm rải rác lan tỏa trong mô vú, có những khối nằm rất sâu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị biến dạng ngực do tiêm chất lỏng (nghi là chất làm đầy, tuy nhiên không rõ bệnh nhân đã được tiêm những chất gì), nguy cơ hỏng ngực nếu không điều trị kịp thời.

Ngay sau đó, êkíp hút dịch lỏng, kết hợp dùng kháng sinh, giảm viêm, nhưng tiên lượng các khối chất lỏng không thể lấy hết, phải theo dõi và điều trị lâu dài.

Ngay sau khi vào viện, các bác sĩ phát hiện hai bên ngực của người bệnh có lỗ tiêm rất to, bóp ra chất lỏng sền sệt, màu hồng, không rõ loại.
Ngay sau khi vào viện, các bác sĩ phát hiện hai bên ngực của người bệnh có lỗ tiêm rất to, bóp ra chất lỏng sền sệt, màu hồng, không rõ loại.

“Thực tế, không có biện pháp nào là không can thiệp phẫu thuật, hoặc ghép chất làm đầy hay ghép mỡ, lại có thể tăng lượng lớn thể tích trong một lần ngay lập tức. Điều này không thể xảy ra” – bác sĩ Minh khẳng định.

Đồng thời cảnh báo, hiện chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định hiệu quả của phương pháp nâng ngực bằng sóng xung kích. Sóng xung kích là những sóng kích thích các dây dẫn thần kinh, thường dùng trong bệnh lý tim mạch có tắc nghẽn thần kinh.

Thực tế, việc sử dụng công nghệ kích thích tế bào phát triển phải có thời gian và tùy vào cơ địa mỗi người. Một số phương pháp nâng ngực như sử dụng tế bào gốc, sóng cao tần, laser... song hiệu quả đều chậm, hầu như không đáng kể.

Một số biện pháp nhẹ nhàng hơn như cấy mỡ tự thân được cho là an toàn, hiệu quả hơn. Phương pháp sử dụng chất làm đầy cũng được áp dụng, tuy nhiên đó phải là làm chất làm đầy đã được phê duyệt thông qua Bộ Y tế, nhập khẩu chính hãng.

Hiện nay, chất làm đầy không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường rất nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Các bác sĩ đã cảnh báo nhiều về nguy cơ tiêm sillcon lỏng vào ngực, tuy nhiên, điều này vẫn còn hiện hữu.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E thăm khám cho bệnh nhân
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E thăm khám cho bệnh nhân

Theo bác sĩ, điểm chung các ca bệnh bị tai biến do làm đẹp đến Bệnh viện E trong thời gần đây thường là các cơ sở làm đẹp không được cấp phép, không phải bác sĩ thực hiện.

Cho dù, phương pháp làm đẹp đơn giản đến mấy như tiêm chất làm đầy vào mũi, xung quanh vùng mắt gây nguy cơ tắc mạch, có thể gây mù, (thực tế đã xảy ra) hoặc hoại tử đến vùng lân cận, vùng đầu mũi, sống mũi, hoại tử môi (tiêm môi) khi không phải là bác sĩ.

Thời gian qua, Bệnh viện E đã cấp cứu nhiều trường hợp tiêm nâng ngực. Nhiều người đến viện được các bác sĩ lấy ra cả “bát chất lỏng” khi tiêm vào ngực. Nếu người bệnh không may bị tiêm chất làm đầy trôi nổi, không được cấp phép, sẽ gây ra phản ứng cho cơ thể như viêm mủ, bị áp xe sau này.

Có người sau 1-3 tháng làm đẹp đến bệnh viện cùng với những ổ áp xe; có bệnh nhân, các bác sĩ lấy được hết ổ áp xe; có người phải sống với nó cả đời bởi nếu đó là chất lỏng sillicon, không bao giờ lấy được hết. Các bác sĩ chỉ lấy được phần nào, chỉ giải quyết triệu chứng khi sưng đau, viêm mủ, áp xe…

Vùng ngực là nơi nhạy cảm, khi tiêm chất làm đầy (silicon) số lượng lớn có thể gây tắc mạch, nhiễm trùng và ảnh hưởng tuyến sữa. Ngoài ra, đây là một trong những kỹ thuật khó, nếu thực hiện sai có thể gây biến chứng nặng như hoại tử da, biến dạng ngực, xuất hiện ngay hoặc 1-3 tháng sau phẫu thuật.

“Hiện nay, nhiều cơ sở thẩm mỹ thường đưa ra những hình ảnh rất hấp dẫn, quảng cáo với những lời có cánh, chị em muốn nâng ngực phải tìm hiểu thật kỹ, có thể tham khảo chuyên môn tại cơ sở y tế, khoa phẫu thuật thẩm mỹ ở các bệnh viện. Tuy nhiên, chị em muốn nâng ngực nên đến bệnh viện, cơ sở y tế uy tín, kỹ thuật viên là bác sĩ được đào tạo bài bản, quá trình thực hiện đảm bảo nguyên tắc vô trùng” - bác sĩ Minh khuyến cáo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần