Nắng nóng đảo lộn cuộc sống người dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt địa phương ở miền Bắc và miền Trung đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài. Tại Hà Nội, đợt nắng nóng gay gắt đang diễn ra với mức nhiệt cao nhất trong ngày lên đến 39 - 40 độ C, khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân Thủ đô bị đảo lộn.

Nhiệt độ lên đến 40 độ C
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, từ ngày 28 - 30/5, khu vực Hà Nội duy trì tình trạng nắng nóng gay gắt với mức nhiệt cao nhất trong ngày phổ biến ở mức 36-38 độ C, có nơi lên đến 40 độ C. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mức nhiệt đo trong lều khí tượng, bởi trên thực tế, nhiệt độ ngoài trời còn cao hơn từ 2-3 độ C. Khoảng đêm 30/5, một khối khí mát tràn về các tỉnh miền Bắc, gây mưa rào vào chiều tối và đêm. Song, nhiều khả năng, đợt khí mát này chỉ tạm cắt nóng tại miền Bắc trong 1 - 2 ngày. Miền Trung vẫn nắng nóng, tình trạng khô hạn sẽ khốc liệt hơn.
Nắng nóng liên tục trong những ngày qua gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông. 	Ảnh: Chiến Công
Nắng nóng liên tục trong những ngày qua gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông. Ảnh: Chiến Công
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, tình trạng nắng nóng gay gắt đang xảy ra ở miền Bắc và miền Trung là lớn nhất trong 15 năm qua. Theo các chuyên gia khí tượng, hiện tượng nắng nóng bất thường này do ảnh hưởng của El Nino. TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng - Khí hậu (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn & Biến đổi khí hậu) cho biết, dưới tác động của hiện tượng El Nino, nhiệt độ ở hầu hết các khu vực trong cả nước có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm. Trong đó, đáng chú ý là hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt đến sớm hơn và kết thúc muộn hơn ở các khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, năm 2015 có khoảng 17-18 đợt nắng nóng, mỗi đợt kéo dài 4-5 ngày. Nhiệt độ phổ biến 38-40 độ C. Thủ đô Hà Nội, trong đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ lên đến 40 độ C. Một số địa phương ở vùng núi tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, nhiệt độ có thể lên đến 41 độ C.

Chị Phan Thu Dung, sống tại chung cư Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cho biết, chị làm thêm công việc giao hàng cho khách, chủ yếu vào giờ nghỉ trưa nên thường xuyên phải đi giữa lúc trời nắng nóng nhất. “Trong những ngày qua, mặc dù bôi kem chống nắng, mặc áo chống nắng và kính chống tia UV, nhưng thật khủng khiếp khi đi giữa trời trưa hè nhiệt độ tăng cao. Dường như đôi bàn tay bỏng rát, còn toàn thân nung nóng giữa cái nắng như thiêu, như đốt. Trong khi đó, khu chung cư chỗ tôi ở lại hay mất điện, nên rất khổ cho những người già, trẻ nhỏ. Có đêm, tôi phải thức quạt cho cháu ngủ nên rất mệt mỏi” - chị Dung chia sẻ.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, với tình trạng nắng nóng gay gắt đang xảy ra, rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể gây ra bệnh ung thư da. Trời nắng khiến nhiệt độ ngoài trời cao hơn nhiệt độ cơ thể, độ ẩm không khí thấp, dễ gây ra các bệnh đường hô hấp, chảy máu cam. Thời gian nắng nóng nhất trong ngày từ 11-17 giờ, vì vậy người dân nên hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân nên uống nhiều nước và đúng cách để bù lại lượng nước đã mất qua bài tiết. Từ trong phòng điều hòa đi ra ngoài (hoặc ngược lại) cần phải có thời gian thích nghi, không nên vội bước từ nhà ra ngoài đường luôn. Bởi khi đó, cơ thể không kịp thích nghi với sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, nhiều người không kịp cần bằng cơ thể, dễ dẫn đến các hiện tượng chảy máu cam, đau đầu, say nắng... Khi nắng lên đỉnh điểm không nên ở ngoài trời quá lâu và cần trang bị mũ nón, kính, áo chống nắng.

Bảo đảm cấp đủ nước cho người dân

Trong những ngày qua, mặc dù nắng nóng đang lên đến đỉnh điểm, nhu cầu của người dân tăng đột biến nhưng các đơn vị cấp nước vẫn duy trì tốt việc cung cấp nước sạch, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu cho Nhân dân Thủ đô. Trong ngày 28/5, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo các công ty cấp nước, tất cả đều cho biết đã chạy hết công suất các giếng, trạm, nhà máy sản xuất nước để cấp đủ nước cho người dân.

Ông Hoàng Văn Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cho biết: “Chúng tôi vẫn phục vụ đủ 100% nhu cầu của Nhân dân, không để xảy ra tình trạng mất nước, thiếu nước. Tuy nhiên, tại các khu vực đông người thuê trọ, do người dân không muốn lắp đặt đường ống lớn, nhu cầu lại tăng đột biến nên dẫn đến tình trạng trong các khu trọ nước chảy yếu, bể trữ riêng cạn nhanh”.

Ông Nguyễn Anh Việt - Tổng Giám đốc Viwaco khẳng định: “Địa bàn do chúng tôi cung cấp, nước sạch vẫn đảm bảo phục vụ bà con, kể cả các khu vực dân cư cuối nguồn cũng không thiếu nước”.

Ông Phạm Việt Phương - Giám đốc Xí nghiệp Nước sạch Hoàng Mai cho biết: “Xí nghiệp đã huy động 100% lực lượng cán bộ, công nhân viên túc trực, kiểm tra mạng lưới, tránh để xảy ra các sự cố do quá tải trên toàn mạng lưới cung cấp nước sạch. Không chỉ nội thành mà cả các khu vực ngoài cơ đê, địa hình cao cũng vẫn đảm bảo có đủ nước sinh hoạt. Đến nay, Xí nghiệp chưa nhận được bất cứ phản ánh, kiến nghị nào của người dân về tình trạng thiếu nước trong đợt nắng nóng này”.
Theo tin từ bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, trong 6 ngày nắng nóng gần đây, trung bình mỗi ngày, BV khám từ 2.500 - 2.700 bệnh nhi, trong đó có 200 trẻ phải điều trị nội trú. Trong tổng số trẻ đến khám có khoảng 70 - 80% bệnh nhi sốt cao co giật, viêm mũi, viêm phổi, viêm phế quản... Nguyên nhân chính là do thời tiết quá nóng khiến trẻ em không thích ứng kịp, trẻ ăn ít hơn nên sức đề kháng kém, dễ nhiễm virus. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cũng khiến nhiều người lớn mắc các triệu chứng như: say nắng, ngất xỉu, kiệt sức, chuột rút…

TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền - Trưởng khoa Khám bệnh, BV Lão khoa T.Ư cho biết, nắng nóng kéo dài khiến người già đến khám tăng gấp 2 lần bình thường. Nếu như những ngày bình thường, khoa chỉ tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân/ngày thì thời tiết nắng nóng, lượng người đến khám đã tăng lên khoảng 400 bệnh nhân/ngày với các bệnh chủ yếu là tim mạch, huyết áp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm da dị ứng, bệnh đường tiêu hóa.
Diệu Nga